(QBĐT) - Mùa khô sắp đến, nguy cơ cháy rừng cũng đang cận kề. Để phòng, chống và hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng do "giặc lửa" gây ra, từ đầu năm 2020, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh đã tích cực triển khai các phương án phòng, chống cháy, bảo vệ an toàn từng diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Dù đã xây dựng phương án cụ thể và thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), nhưng trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 152,38ha.
So với năm 2018, số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại đều có giảm nhưng không đáng kể. Trong đó, tình trạng cháy rừng (đặc biệt là cháy rừng trồng trên cát) vẫn còn xảy ra. Công tác triển khai chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” còn bất cập; nhiều vụ cháy lực lượng tham gia chữa cháy đông nhưng hiệu quả chữa cháy còn thấp.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết: “Rút kinh nghiệm từ công tác chữa cháy rừng trong năm 2019, trước thời điểm bước vào mùa khô năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức đợt kiểm tra tổng thể công tác phòng cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh để rà soát kỹ lưỡng và có phương án điều chỉnh kịp thời nhằm chủ động đối phó tốt với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra”.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 878 tổ đội xung kích BVR, PCCCR ở cơ sở với 7.368 người tham gia. Nòng cốt trong công tác PCCCR ở cơ sở là lực lượng kiểm lâm, dân quân, công an xã và lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng.
Các Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng đã mua sắm, sửa chữa, củng cố và chuẩn bị các dụng cụ chữa cháy rừng tại cơ quan, trụ sở làm việc; xây dựng mới, tu sửa các công trình PCCCR, như: chòi canh, sơn viết lại các bảng tuyên truyền BVR, PCCCR đặt ở bìa rừng, bố trí hệ thống các biển cấm lửa trên các trục đường giao thông tại các khu rừng dễ cháy; đồng thời, phát dọn, tu sửa hệ thống đường băng cản lửa và đầu tư cho công tác xử lý thực bì rừng trồng trước mùa khô.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000km đường băng cản lửa, trong đó có 769km đường băng trắng và 239km đường băng xanh; 63 chòi canh lửa rừng (làm mới 3 cái); 252 bảng tuyên truyền và 1.039 biển cấm lửa (làm mới 200 biển).
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã, hiện toàn tỉnh đã xử lý thực bì, vệ sinh rừng đạt bình quân khoảng 66%. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số vùng trọng điểm cháy, tỷ lệ xử lý thực bì đạt rất thấp (khoảng 15-20%), như: diện tích rừng cây bản địa tại xã Dân Hóa, diện tích rừng thông tại xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa); diện tích rừng thông tại xã Sơn Hóa, xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa); diện tích rừng thông nhựa tại Đội sản xuất Bồng Lai, Đội sản xuất Quảng Trạch (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình); diện tích rừng trên cát tại huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, TP. Đồng Hới.
Theo ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng quản lý BVR và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, qua kiểm tra rừng trên địa bàn toàn tỉnh của lực lượng Kiểm lâm tỉnh tại các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, các hộ gia đình, cá nhân, đến thời điểm này, một số khu vực rừng trồng thực bì vẫn chưa được xử lý, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
Đặc biệt là những diện tích rừng trồng thuộc các dự án 661, 327..., như: diện tích rừng thông nhựa tại xã Phú Định (huyện Bố Trạch-thuộc Đội sản xuất Bồng Lai); xã Quảng Đông, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch-thuộc Đội sản xuất Quảng Trạch). Hay các khu rừng trồng thuộc quản lý của hộ gia đình, cá nhân ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa), xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch), xã Trọng Hóa, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa)...
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ PCCCR chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể, hệ thống chòi canh lửa ở một số nơi đã xuống cấp, các chòi canh lửa cố định được đầu tư xây dựng từ lâu nên hiện tại chòi canh thấp hơn tán rừng, không có tác dụng phát hiện đám cháy, các đơn vị chủ rừng phải sử dụng chòi canh lửa phụ làm tạm thời không bảo đảm tiêu chuẩn và mức độ an toàn về phòng cháy. Hệ thống đường băng cản lửa (đường băng trắng) chưa được tu sửa, vệ sinh thực bì trên đường băng, do đó, chưa phát huy được tác dụng PCCCR. Một số bảng tuyên truyền đã mờ chữ, cây bụi, lau lách mọc xung quanh, che khuất tầm nhìn, số lượng biển báo cấm lửa còn ít. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
![]() |
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR trong mùa nắng nóng năm nay, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Long, các đơn vị, địa phương và ngành chức năng cần chỉ đạo và triển khai quyết liệt công tác PCCCR với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng thường trực chỉ huy, trực canh lửa ở các vùng trọng điểm cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần chữa cháy, huy động kịp thời hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về BVR, PCCCR, đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong mùa khô, đây là điều cấp thiết hiện nay. Ngoài ra, các địa phương cần bố trí kinh phí cho UBND các xã có rừng trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác PCCCR…
Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về BVR, PCCCR. Kiểm lâm địa bàn cần tổ chức lực lượng BVR nghiêm ngặt, trực PCCCR 24/24h trong những ngày nắng nóng cao điểm nhằm sớm phát hiện lửa rừng và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Các đơn vị chủ rừng, như: Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình, BQLRPH Đồng Hới, BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình…, cần chủ động triển khai đầy đủ các biện pháp phòng cháy rừng trước mùa khô năm 2020; tăng cường tuần tra, quan sát, canh gác lửa rừng. Đồng thời, cần chủ động phương án huy động lực lượng chữa cháy và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa các công trình phòng cháy, mua sắm, trang bị dụng cụ chữa cháy rừng nhằm đáp ứng trước nhu cầu cấp bách để giữ rừng hiện nay.
Hương Trà