(QBĐT) - Nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) đã trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới trên vùng gò đồi, bước đầu đã khẳng định được tính thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương và tính hiệu quả, được người dân đánh giá cao.
Trồng sim hái quả kết hợp du lịch sinh thái
Cao Quảng là xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm về phía Nam huyện Tuyên Hóa. Địa hình chạy dọc dòng sông Rào Nan, lại bị chia cách bởi nhiều khe suối nên hàng năm xã thường xuyên đối mặt với lũ lụt làm ngập úng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế bền vững, giúp đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Với diện tích vùng gò đồi lớn (8.500ha rừng tự nhiên và 1.555ha rừng trồng), Cao Quảng có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới nhằm phát huy lợi thế trên vùng gò đồi và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình có mô hình trồng sim do Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ. Đến nay, toàn xã có 14ha sim do người dân trồng mới, trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Sơn Thủy gần 5ha, thôn Quảng Hòa hơn 5,5ha, thôn Chùa Bụt hơn 3,5ha. Ngoài ra, có hơn 5ha rừng sim tự nhiên được khoanh nuôi và chăm sóc ở thôn Vĩnh Xuân.
![]() |
Anh Phan Văn Tiến, tổ trưởng tổ hợp tác trồng sim thôn Sơn Thủy chia sẻ: "Trước đây, sim mọc hoang dại khắp núi đồi, đến mùa trái chín thì người dân địa phương lên rừng hái về ăn và bán để ngâm rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây keo tràm được trồng nhiều khiến sim dần khan hiếm. Đặc biệt, cây keo trồng đến đâu thì tất cả những loại cây sống phía dưới không phát triển được. Hơn nữa, sau mỗi đợt thu hoạch người dân đốt cành lá để tái sản xuất nên cây sim ngày càng khan hiếm. Được sự hỗ trợ của dự án SRDP, chúng tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm và thành công ngoài sự mong đợi".
Thực hiện mô hình, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn giống, vì chưa có nơi nào sản xuất giống, nên các thành viên tổ hợp tác phải vào rừng để đào đưa về trồng, 1 bụi lớn có thể tách ra thành 4 đến 5 cây giống. Loại cây này sống ở đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, tưới nước và bón phân đầy đủ thì cây sinh trưởng và phát triển tốt. Là cây trồng 1 lần nhưng thu hoạch được nhiều năm nên chí phí đầu tư cũng không nhiều.
Sau 2 năm trồng thử nghiệm, sim đã cho quả bói và thu hoạch hơn 3 tấn/5ha. Với giá bán 25.000 đồng/kg, tổ hợp tác thôn Sơn Thủy đã thu về hơn 75 triệu đồng trong vụ đầu tiên. Theo anh Tiến, để cây sim khép tán, trưởng thành, mỗi cây sẽ có từ 1 đến 3kg quả, ước tính mỗi ha thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi. Thấy hiệu quả ban đầu, nhiều người dân địa phương cũng đã mạnh dạn bứng sim về trồng tại địa phương. Đây là mô hình mới và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Cao Quảng hiện nay.
Ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, hiện trên địa bàn, mô hình trồng sim là hướng đi thoát nghèo đầy triển vọng của bà con nông dân. Đặc biệt, ở Cao Quảng có hệ thống Hang Tiên đang thu hút rất nhiều lượt du khách đến tham quan trong thời gian qua và vườn hoa sim sẽ là nơi trải nghiệm thú vị mới cho du khách khi tới nơi này. Việc kết hợp giữa bán quả sim với du lịch sinh thái trên những đồi sim tím chạy dài hun hút là ý tưởng để phát triển kinh tế và dịch vụ của địa phương trong thời gian tới.
Hướng tới rừng cây gỗ lớn
Cao Quảng là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm phần lớn tổng diện tích đất tự nhiên, cây trồng chủ lực của bà con nơi đây vẫn là cây keo lai hom. Hướng tới rừng cây gỗ lớn, thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của dự án SRDP và UBND huyện Tuyên Hóa, Cao Quảng đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô.
Hiện địa phương đã trồng được 170ha cây keo lai nuôi cấy mô, qua theo dõi mô hình tại các hộ gia đình cho kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. So sánh với giống keo lai hom thì cây keo lai nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với cây keo lai hom. Cây cũng có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn do cây giống sạch bệnh, có rễ cọc chắc chắn.
Theo ông Mai Xuân Tuyên, cây keo lai nuôi cấy mô sau 4 năm có thể thu hoạch được nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân kéo dài thời gian, hướng tới rừng cây gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
![]() |
Bên cạnh mô hình cây keo lai nuôi cấy mô, một số hộ dân thôn Tân Tiến còn thử nghiệm trồng xen canh cây hương bài dưới cây keo cấy mô nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Đây là cây nguyên liệu chính để làm nhang thắp đang được các thương lái tìm về mua tận nơi. Cây hương bài là cây ưa sáng, nhưng cũng có khả năng chịu bóng, nên vừa trồng được ngoài nắng và vừa trong bóng râm nơi có tàn che thưa.
Theo anh Nguyễn Đức Sự, thôn Tân Tiến thì cây hương bài cho hiệu quả gấp 3 lần cây lúa và ngô. Ban đầu ,bà con trồng xen với cây keo nhưng chỉ được 2 năm đầu, khi cây keo phủ tán thì cây hương bài phát triển chậm, năng suất thấp. Vì vậy, anh chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng hương bài. Sau 1 năm thì cây bắt đầu cho thu hoạch, với 1 sào đất, thu hoạch được 1,7 đến 2 tấn cây hương bài. Với giá bán 6 triệu/tấn, mỗi năm, trừ chi phí, người nông dân thu lãi gần 10 triệu/sào, trong khi cây lúa và ngô chỉ thu về 3 triệu/sào/ năm.
Mặc dù đầu ra tương đối ổn định nhưng điều anh Sự lo lắng nhất hiện nay là việc người dân thấy có hiệu quả sẽ đưa giống cây này vào canh tác ồ ạt. Nếu không có thị trường tiêu thụ cũng như không có sự liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm thì rất dễ đi vào "vết xe đổ" của những hàng nông sản khác, mà cây hương bài chỉ dùng làm nguyên liệu sản xuất hương, không sử dụng làm thực phẩm nên khó "giải cứu” vô cùng.
Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng với sự hỗ trợ của các dự án, việc chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng không chỉ tạo ra lợi thế tiềm năng mà còn giảm thiểu rủi ro về thị trường, về sâu bệnh hại và thiên tai so với trồng đơn canh. Việc đưa giống mới có năng suất và hiệu quả cao là cách làm hiệu quả để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho các nông hộ. Để duy trì và nhân rộng mô hình trên các vùng gò đồi vốn rất phong phú trên địa bàn và các huyện lân cận, thiết nghĩ cần có sự đánh giá một cách khách quan cả về ưu điểm, tồn tại, khó khăn, từ đó kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các dự án nhằm bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của mô hình, làm cơ sở để phát triển và nhân rộng hơn nữa.
Thanh Hoa