(QBĐT) - Hiện nay, huyện Tuyên Hóa đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và khuyến khích người chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn.
Năm 2019 và đầu năm 2020, huyện Tuyên Hóa có 56 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi với 406 con lợn bị tiêu hủy, tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy trên 22 tấn. Đến nay, bệnh dịch đã được khống chế và huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn. Nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa dám tái đàn do lo sợ dịch có thể tái phát cùng một số nguyên nhân khác.
Bà Nguyễn Thị Tân, thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa cho biết, năm 2019, gia đình bà có lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên phải tiêu hủy. Đầu năm nay, mặc dù giá thịt lợn trên địa bàn tăng cao nhưng gia đình vẫn chưa dám nuôi lại vì lo sợ chuồng trại chưa được bảo đảm về vệ sinh phòng dịch. Mặt khác, thời điểm này giá lợn giống quá cao, gia đình chưa đủ điều kiện để mua.
Cũng như bà Nguyễn Thị Tân, năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Phong ở thôn Tây Thủy, xã Tiến Hóa phải tiêu hủy 26 con lợn do bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 2 con lợn nái, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 2,4 tấn. Gia đình bà Phong trước đây thường xuyên nuôi lợn, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sau dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, bà Phong đã mua lại 20 con lợn giống để nuôi với giá 190.000 đồng/kg. Bà Phong cho biết, do giá lợn giống quá cao, cộng với tâm lý lo sợ dịch có thể tái phát nên gia đình chỉ dám đầu tư nuôi thăm dò, sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, chăn nuôi ổn định, gia đình mới tiếp tục tăng đàn.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, nhiều hộ chăn nuôi vẫn dè dặt trong việc tái đàn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung con giống khan hiếm, giá giống cao, giao động từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, người chăn nuôi chủ yếu sử dụng con giống do lợn nái của gia đình đẻ ra, do vậy, mà tổng đàn tăng chậm. Một số trang trại chăn nuôi lớn như anh Đinh Trọng Lưỡng ở xã Sơn Hóa chủ yếu chỉ bán ra và sử dụng con giống của gia đình để nuôi, chưa mua vào, cố gắng phòng dịch để giữ ổn định đàn lợn tại thời điểm này.
Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa, năm 2019, huyện Tuyên Hóa có đàn lợn trên 24 .000 con, sau dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn sụt giảm còn 15.000 con do người dân hạn chế chăn nuôi để phòng dịch. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đang hướng dẫn các địa phương và người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tái đàn; khuyến khích sử dụng con giống tại địa phương, hoặc mua ở ngoài thì phải bảo đảm nguồn con giống sạch, có nguồn gốc rõ rang, không mua con giống trôi nổi trên thị trường.
Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn nhằm khôi phục đàn lợn, góp phần ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn; hướng dẫn các gia trại, trang trại tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ; hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị có truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng và kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Văn Tư