"Gỡ khó" cho Trường Sơn

  • 02:04, 20/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làm gì để giúp người dân ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), nhất là đồng bào Bru-Vân Kiều phát triển kinh tế là trăn trở bấy lâu nay của Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh. Đặc biệt, sau khi nhiều sai phạm của đội ngũ cán bộ nơi đây được xử lý, trăn trở này càng trở nên bức thiết và đang dần được "tháo gỡ" qua nhiều giải pháp hiệu quả.
 
Quan tâm hỗ trợ người dân
 
Vụ hè-thu năm 2019, toàn xã trồng 20ha ngô, 100ha lạc, 9,5ha lúa nước, 20ha cây đậu xanh và 30ha đậu các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nắng hạn kéo dài, một số diện tích đất không sản xuất được, một số diện tích sản xuất nhưng cây không phát triển, mất mùa.
 
Trước tình hình đó, UBND xã đã báo cáo và đề nghị UBND huyện hỗ trợ cho bà con nông dân. Tháng 12-2019, UBND huyện đã hỗ trợ 300kg giống ngô nếp và 298 gói giống rau các loại, UBND xã đã cấp phát cho nhân dân sản xuất vụ đông-xuân 2019-2020.
 
 Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lạc vụ đông xuân 2019-2020.
Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lạc vụ đông xuân 2019-2020.

Bước vào vụ sản xuất đông-xuân 2019-2020, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện Quảng Ninh về việc hỗ trợ giá giống lạc cho bà con vùng miền núi, UBND xã đã có kiến nghị và được huyện hỗ trợ giống lạc cho đồng bào Bru-Vân Kiều với mức hỗ trợ 50% giá giống/kg.

Trên cơ sở tiềm năng đất trồng rừng kinh tế tại địa phương và nhu cầu của người dân, để giúp người dân phát triển kinh tế rừng, UBND xã Trường Sơn đã có nhiều văn bản đề nghị các cấp, ngành giao đất rừng sản xuất cho người dân với nhu cầu 5.000ha để sản xuất. Đến cuối năm 2018, được sự quan tâm của tỉnh, huyện đã quy hoạch, bóc tách được gần 1.000ha đất rừng sản xuất giao cho xã Trường Sơn quản lý để giao cho người dân. Trên cơ sở đó, căn cứ vào số hộ dân chưa có đất sản xuất, UBND xã đã xây dựng phương án giao đất cho người dân theo định mức mỗi khẩu được 0,25ha. Trong đó, chính quyền ưu tiên giao đất gần nơi ở cho người dân các thôn bản, những nơi không có đất gần thì giao xa hơn.
 
Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: "Chủ trương giao đất cho dân trồng rừng là rất phù hợp và hợp lòng dân.  Tuy nhiên, diện tích giao cho bà con còn ít. Vì vậy, hiện nay, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đang tập trung chỉ đạo người dân trồng rừng gỗ lớn thay cho trồng keo thông thường như trước đây. Thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ 8 triệu/ha tiền giống cây, phân bón, chăm sóc. Sản phẩm thu hoạch sẽ đạt hiệu quả gấp nhiều lần nếu khai thác sau 10 năm thu hoạch".
 
Việc tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định để người dân không sống phụ thuộc vào khai thác lâm sản trái phép cũng được chính quyền quan tâm. Ông Nhì chia sẻ, Đảng ủy, HĐND, UBND xã luôn chỉ đạo và triển khai nhiều hội nghị giới thiệu việc làm, giới thiệu nhiều công ty đến địa phương tuyển dụng lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đến nay, toàn xã đã có 80 người xuất khẩu lao động, riêng năm 2019 có 50 người. Ngoài ra, còn có một lực lượng lớn người dân đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.
 
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm là trong khi hiện tại Công ty TNHH may mặc SD tại thị trấn Quán Hàu đang còn thiếu rất nhiều lao động và đã đến địa phương tuyển dụng công nhân nhưng rất ít người dân của xã Trường Sơn đến làm. Nguyên nhân là do tư tưởng bà con muốn đi làm ăn xa ở các tỉnh miền nam để có thu nhập cao hơn.
 
Hiện, xã đang quan tâm việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ rừng cho từng hộ dân. Ông Nhì cho biết: "Xã đã kêu gọi các nhà đầu tư khai thác các điểm Tam Lu, Khe Cạc, Chà Rào và nhiều địa điểm khác. Hiện nay, Công ty Cổ Phần Redbrick Holding có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh đang lập dự án đầu tư du lịch cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch Organic tại bản Khe Cát. Đây là một dự án hứa hẹn phát triển du lịch và tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn xã Trường Sơn..."
 
Cần chính sách dài hơi...
 
Việc quan tâm, hỗ trợ, giúp người dân phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm... của các cấp chính quyền thời gian qua được người dân ghi nhận. Bên cạnh đó, bà con cũng có một số kiến nghị mà thiết nghĩ chính quyền sở tại, cũng như các cấp, ngành trong tỉnh cần nghiên cứu xem xét và có giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp người dân.
 
Theo đó, các cấp, ngành cần thực hiện một cách đầy đủ, đúng, trúng và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời, cần rà soát lại những chủ trương nào nhỏ lẻ, manh mún mang tính chất động viên, không phù hợp với thực tế, với đồng bào thì nên cắt bỏ, tránh lãng phí và tạo cho đồng bào tư tưởng trông chờ ỷ lại. Cần nghiên cứu kỹ để có chủ trương chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp với đất đai, thời tiết, có giá trị kinh tế cao và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Vì hiện tại, người dân Trường Sơn chủ yếu trồng lạc, ngô, sắn..., nên giá trị kinh tế đưa lại không cao và không nâng cao được đời sống của bà con. 
Người dân cần được giao diện tích rừng trồng lớn hơn để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Người dân cần được giao diện tích rừng trồng lớn hơn để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Chủ trương giao đất cho dân trồng rừng là hết sức đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp giao cho dân còn quá ít, chưa đáp ứng với nhu cầu trồng rừng kinh tế của người dân. Và để giúp người dân phát triển kinh tế rừng hiệu quả, cần tăng diện tích giao đất cho người dân trồng rừng, đồng thời, đầu tư mở đường vào các vùng đất sản xuất đã giao cho dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc sản xuất.
 
Một vấn đề quan trọng nữa đó là cần định hướng và tạo điều kiện cho người dân trong xuất khẩu lao động bởi hướng đi này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, xã có khoảng 100 con em đang tham gia xuất khẩu lao động và có mức lương thấp nhất 15 triệu đồng/tháng...
                                                                                                Đức Thành

tin liên quan

Lúa "nước hai" và hành trình hồi sinh
Lúa "nước hai" và hành trình hồi sinh

(QBĐT) - Dù phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, nhưng Bố Trạch vẫn được thiên nhiên "ưu ái" một sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao từ cây lúa-gạo "nước hai". Đây là giống lúa bản địa, được phục hồi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của nhiều vùng đất ở Bố Trạch và bà con nông dân đang mong muốn mở rộng sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho giống lúa đặc sản này.

Đứng lên từ... thất bại!
Đứng lên từ... thất bại!

(QBĐT) - Trên hành trình khởi nghiệp, những người trẻ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp, "con đường" này lại càng gian nan và vô số "vật cản" hơn. Nhiều "start-up" đã gặp thất bại, thậm chí phá sản, nhưng chính niềm đam mê khởi nghiệp và tình yêu với ruộng đồng quê hương đã giúp họ tiếp tục trụ vững và dấn thân.

Chủ động ngăn ngừa sự cố lưới điện 110kV
Chủ động ngăn ngừa sự cố lưới điện 110kV

(QBĐT) - Bằng những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, thời gian qua, tập thể cán bộ, công nhân Đội QLVH LĐCT đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nhiệm vụ được giao trên tinh thần "Nói không với sự cố lưới điện 110kV".