(QBĐT) - Những năm qua, Hội LHPN huyện Tuyên Hóa luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ (HVPN), nhất là phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế gia đình.
Các cấp hội phụ nữ huyện Tuyên Hóa hiện đang quản lý, giám sát hoạt động của 78 tổ tiết kiệm vay vốn với 2.800 HVPN tham gia. Chị Đinh Thị Ái Ninh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa cho biết, rất nhiều HVPN tại các xã trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày. Nhiều hội viên không có công ăn việc làm ổn định, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Do vậy, HVPN rất cần được hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế, như: trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, phát triển các ngành nghề truyền thống...
Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các cơ sở hội trên địa bàn huyện đã tăng cường hoạt động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH để hỗ trợ hội viên. Hiện tại, Hội LHPN huyện Tuyên Hóa đang quản lý nguồn vốn ủy thác hơn 119 tỷ đồng cho 3.435 HVPN vay vốn thông qua các nhóm: hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường; vốn vay học sinh, sinh viên; vốn vay giải quyết việc làm…
Việc cung cấp các khoản vay phù hợp theo hình thức trả dần hàng tháng đã tạo thói quen tiết kiệm thường xuyên. Việc tham gia vay vốn không cần tài sản thế chấp, thông qua tổ bảo lãnh đã gắn bó chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Để hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo cấp hội cơ sở tổ chức tốt việc thực hiện công đoạn hợp đồng ủy thác, chú trọng công tác bình xét hộ vay vốn bảo đảm đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Hiện nay, các tổ tiết kiệm, vay vốn do Hội LHPN huyện quản lý đều hoạt động theo đúng quy định, duy trì sinh hoạt nền nếp, lồng ghép với hoạt động hội. Thông qua sinh hoạt, các tổ trưởng đã kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện của các thành viên để có kế hoạch động viên, hỗ trợ, giúp đỡ chị em hoàn trả vốn, lãi đúng hạn. Tỷ lệ thành viên vay vốn đóng tiền tiết kiệm đạt hơn 90%, tổng dư nợ tiết kiệm đến nay đạt trên 2,7 tỷ đồng.
|
Chị Đặng Thị Luật ở xã Tiến Hóa cho biết, chị không có việc làm ổn định nên làm “đầu tắt mặt tối” cũng không đủ để trang trải cuộc sống. Đang trong lúc khốn khó, không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập thì gia đình được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Chị đã không ngần ngại vay vốn để chăn nuôi với hy vọng có thể thoát nghèo. Ban đầu, chị nuôi một vài cặp lợn thịt. Sau khi có vốn, chị đã xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi thêm lợn nái và gà.
Nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó, cuộc sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện. Đến nay, trang trại của chị duy trì thường xuyên 100 con lợn, hơn 300 con gà, 3 con trâu sinh sản...Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, chị thu về hơn 200 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Chị Luật tâm sự: “Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH không những giúp gia đình tôi giải quyết được khó khăn, mà còn là động lực để vượt qua mặc cảm, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống”.
Chị Trần Thị Thịnh ở thôn Kim Tiến, xã Kim Hóa cũng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, muốn đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo nhưng không có điều kiện, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Từ khi tham gia sinh hoạt tổ vay vốn của Hội LHPN xã, tôi được chị em chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Với số tiền này, tôi đầu tư mua con giống, nuôi lợn, bò và mở dịch vụ xay xát lúa gạo. Sau một thời gian nỗ lực vượt khó, gia đình tôi đã thoát nghèo và dần có cuộc sống ổn định”.
Không chỉ có chị Luật, chị Thịnh mà rất nhiều HVPN trên địa bàn huyện Tuyên Hóa được hỗ trợ vốn vay để phát triển các mô hình kinh tế, như: trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ… với thu nhập bình quân từ 50-100 triệu đồng/năm. Để hỗ trợ cho các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, Năm 2019, Hội LHPN huyện Tuyên Hóa còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở 6 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho 132 HVPN.
Có thể nói, với việc sử dụng hiệu quả đồng vốn, cán bộ, HVPN huyện Tuyên Hóa đã tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Phát huy kết quả đã đạt được, chị Đinh Thị Ái Ninh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa cho biết: “Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao mức gửi tiết kiệm nhằm giúp cho HVPN vừa có vốn phát triển kinh tế vừa có ý thức tích lũy, chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động vay vốn, cán bộ, HVPN còn được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và điều hành vốn vay. Đồng thời, chị em có thêm sự gắn bó với các cấp hội, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm”.
L.Chi