(QBĐT) - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hải sản “rớt” giá mạnh, hàng nghìn ngư dân các xã bãi ngang huyện Lệ Thủy phải lao đao. Khó khăn là thế nhưng bà con nơi đây vẫn quyết tâm bám biển để mưu sinh hàng ngày.
Sau sự cố môi trường biển năm 2016, ngư dân các xã biển bãi ngang huyện Lệ Thủy vẫn bám biển bất chấp mọi khó khăn. Nhiều hộ dân sau khi nhận tiền bồi thường đã đầu tư đóng thuyền, mua sắm ngư cụ tiếp tục ra khơi. Một số ngư dân linh động thử nghiệm nhiều loại hình đánh bắt hải sản gần bờ mớimang lại sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế cao, như: lưới tôm, lưới mực, lưới ba, lưới hai... Nhờ đó, bà con có thể đánh bắt được quanh năm, góp phần làm cho các làng biển bãi ngang hồi sinh, cuộc sống dần ấm no trở lại.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho giá hải sản giảm mạnh, khiến bà con phải lao đao. Xã Ngư Thủy là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn xã có 10 thôn, trên 1.400 hộ, 6.045 nhân khẩu. Trong đó có trên 2.000 lao động theo nghề biển với 600 chiếc thuyền các loại. Để đánh bắt hải sản, bà con dùng nhiều ngư lưới cụ khác nhau và chọn mùa trăng, con nước phù hợp để ra khơi. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đánh bắt được trên 1.000 tấn hải sản, trong đó có 800 tấn sứa.
![]() |
Theo ngư dân, sản lượng thủy sản thời điểm này giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, giá cả cũng giảm khá nhiều. Anh Nguyễn Văn Tuân, một ngư dân ở thôn Nam Tiến, xã Ngư Thủy buồn bã cho biết: “Mọi năm, thời điểm này, chúng tôi đánh được rất nhiều cá nục và mực. Tuy nhiên, không biết vì sao năm nay cá lại ít. Thấy lượng cá biển giảm nên tôi phải đổi qua nghề câu mực, đánh sứa. Nhưng sứa giờ cũng không ai mua, mực thì mất một nửa giá nên thu nhập thấp lắm”.
Anh Tuân là một ngư dân có thâm niên đi biển hơn 20 năm nay. Trước đây, mỗi năm đi biển gia đình anh có thể thu về gần 300 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này của năm, cha con anh chỉ thu nhập được khoảng 50 triệu đồng từ đánh bắt hải sản.
Không chỉ ngư dân khó khăn mà các cơ sở thu mua, chế biến hải sản cũng đang khó chồng khó. Xã Ngư Thủy có 4 cơ sở chế biển hải sản thì nay chỉ còn 2 cơ sở hoạt động cầm chừng. Ông Ngô Thế Thụ, Giám đốc hợp tác xã (HTX) chế biến hải sản Tân Hải Thành thở dài: “Những ngày đầu năm, thấy bà con ngư dân đánh bắt sứa rất nhiều nên chúng tôi mua về chế biến để xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ trong nước. Ai ngờ dịch bệnh Covid-19 nên không thể xuất khẩu được, hàng bán trong nước mỗi ngày chỉ xuất kho chừng 1 tấn, nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ bị lỗ hàng tỷ đồng”.
Năm 2019, HTX này đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng mua khoảng 800 tấn sứa, giải quyết việc làm cho 60 công nhân chế biến và hàng nghìn người đi biển với mức thu nhập cao, riêng HTX đã lãi ròng trên 300 triệu đồng. Năm nay, HTX tiếp tục mua toàn bộ sứa của bà con trong xã. Sau khi chế biến, HTX chọn 50% sản phẩm tốt nhất đóng thùng xuất khẩu sang Trung Quốc, số còn lại dự kiến sẽ tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số hàng trên không thể xuất khẩu đi được, hàng tiêu thụ trong nước cũng rất khó khăn do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết: “Dù lượng hải sản đánh bắt và giá bán giảm mạnh so với năm trước nhưng chúng tôi vẫn động viên bà con cố gắng bám biển để tạo sinh kế trước mắt. Xã cũng đã khuyến khích bà con nên tìm thêm các loại hình đánh bắt mới để đa dạng hàng hóa từ biển, tạo việc làm quanh năm”.
Tại xã Ngư Thủy Bắc, tình hình cũng không khá hơn bởi lượng hải sản đánh bắt trên biển thời gian này cũng giảm mạnh. Hiện toàn xã có 5 thôn, trên 1.200 hộ dân thì có tới 90% theo nghề biển. Bà con nơi đây đi biển chủ yếu bằng thuyền nan với các loại ngư cụ, như: lưới hai, lưới ba, rê, đèn câu mực… Những năm qua, biển đã cho nhiều hộ dân nơi đây cuộc sống ấm no, sung túc với mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã 40 triệu đồng/năm. Thời điểm đầu năm, lượng hải sản đánh bắt trên biển Ngư Thủy Bắc khá nhiều, lại được giá nên bà con ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, sản lượng hải sản đánh bắt giảm khoảng 50%, nhiều ngư dân lao đao với nghề. Từ đầu năm đến nay, toàn xã mới đánh bắt được khoảng 150 tấn hải sản các loại, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Anh Trần Văn Quyến, ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ: “Thời điểm này mọi năm, cá nục và mực trên biển nhiều lắm, gần như đi chuyến nào cũng trúng. Nhưng chẳng hiểu sao năm nay cá, mực giảm nhiều thế. Giờ không đi biển thì ở nhà chẳng biết làm gì, còn đi thì có chuyến bị lỗ cả tiền dầu, giá hải sản lại giảm mạnh”.
Theo anh Quyến, thời điểm đầu năm, một cân cá trích, cá nục có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, cá thu loại 1 có giá từ 150.000-170.000 đồng, mực ống có giá từ 200.000-240.000 đồng…thì nay đã giảm giá từ 20-50%. Anh Quyến làm nghề đi xăm đã lâu, có những chuyến đi biển trúng, anh và các bạn thuyền thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay biển khó, anh và ngư dân có thu nhập chưa đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho hay: “Mặc dù nghề biển đang gặp nhiều khó khăn nhưng bà con cũng phải bám biển để có kế sinh nhai trước mắt. Về lâu dài, xã sẽ tìm cách giúp bà con chuyển đổi một số ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế hoặc vận động con em đi xuất khẩu lao động để có nguồn thu nhập ổn định hơn”…
Xuân Vương