Ấm lòng đồng bào mùa giáp hạt

  • 08:04, 11/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lệ Thủy ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đồng bào không bao giờ bị thiếu đói vào mùa giáp hạt.
 
Ông Hồ Văn Văn Hiền, trưởng bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy cho biết: “Cả bản có 132 hộ dân, 586 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, bà con trồng gần 12ha lúa, 8ha lạc, 72ha rừng và hàng chục ha ngô, sắn, đậu. Nhờ trồng lúa nước nên đa số bà con trong bản vẫn tự túc được lương thực trong mùa giáp hạt. Để bảo đảm đời sống cho bà con lâu dài, tôi mong nhà nước cấp thêm đất để người dân có chỗ định cư, trồng rừng kinh tế”.
 
Bà Hồ Thị Liên, một người dân trong bản cho hay: “Nhà miềng còn khoảng 50 lon gạo nên cũng ăn đủ chừng 20 ngày, trong khi lúa vụ đông-xuân cũng đã gần chín nên cũng không quá lo thiếu gạo trong mùa giáp hạt”.
 
Ông Hồ Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy tâm sự: “Hiện xã đang tập trung chỉ đạo bà con trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng trồng; khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng từ các dự án nên đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao. Mặc dù đang trong mùa giáp hạt nhưng đa số bà con vẫn đang tự túc được lương thực, bảo đảm cuộc sống”. 
Lúa nước ở xã Ngân Thủy đang trổ bông
Lúa nước ở xã Ngân Thủy đang trổ bông
Xã Ngân Thủy có 6 bản với 615 hộ dân, 2.300 nhân khẩu, trong đó có 183 hộ nghèo. Hiện 4/6 bản của xã có ruộng trồng lúa nước với diện tích trên 92ha nên lương thực cơ bản vẫn ổn định. Riêng những bản không không trồng lúa, bà con vẫn đi làm thuê, thu hái các sản vật từ rừng để bán kiếm tiền mua gạo.
 
Xã Lâm Thủy có 6 bản với 396 hộ dân, trên 1.750 nhân khẩu, trong đó có 180 hộ nghèo và 113 hộ cận nghèo. Đồng bào Vân Kiều nơi đây sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, trồng lúa nước hoặc đi làm thuê nhiều nơi.
 
Ông Hồ Xao, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Thủy cho biết: “Trong xã chưa có hộ dân nào đói đứt bữa nhưng có một số hộ đang có nguy cơ thiếu gạo ăn. Để vượt qua những ngày giáp hạt này, trước mắt, chúng tôi chỉ đạo bà con chia sẻ nguồn lương thực, vào rừng tìm những sản vật, hoặc đi khai thác gỗ rừng trồng thuê để mua gạo ăn”.
 
Huyện Lệ Thủy có 24 bản ở 3 xã miền núi: Kim Thủy, Lâm Thủy và Ngân Thủy, với gần 2.100 hộ dân, trên 8.000 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Bru-Vân Kiều, sinh sống nhờ làm nương rẫy. Trước đây, do điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, nên cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bằng những hỗ trợ thiết thực, đồng bào đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện 3 xã có gần 180ha đất sản xuất lúa nước 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha; 58ha ngô, năng suất bình quân đạt 23 tạ/ha; 245ha sắn, năng suất bình quân đạt 195 tạ/ha. Chăn nuôi có bước phát triển, đàn gia súc trên 3.370 con, đàn lợn gần 2.000 con, đàn gia cầm trên 49.000 con... Nhờ đó, cái đói mùa giáp hạt ngày càng lùi xa.
 
Ông Phạm Đức Hóa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết: "Hiện chúng tôi đã phối hợp với địa phương rà soát cụ thể tình hình đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để đề xuất hỗ trợ gạo, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đồng bào thiếu đói trong mùa giáp hạt; vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh”.
 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Trong các dịp Tết, mùa giáp hạt, bà con dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ hàng trăm tấn gạo, nhiều suất quà của các tổ chức, cá nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, xã Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy đã được cấp 182 tấn gạo của Chính phủ. Ngoài ra, các chế độ chính sách của người dân, học sinh cũng được chi trả đầy đủ. Trong khi chờ đợi gạo Chính phủ hỗ trợ, huyện đã trích ngân sách mua 15 tấn gạo để cấp phát cho bà con, quyết không để ai thiếu đói trong mùa giáp hạt”…
                                                                                                     Xuân Vương

tin liên quan

Khát vọng nông nghiệp sạch
Khát vọng nông nghiệp sạch

(QBĐT) - Mong muốn sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch để phục vụ bà con, anh Võ Trung Tuấn, thôn Tú Loan, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan. HTX ra đời không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn từng bước thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp sạch.

"Lá cờ đầu" ngành Thuế
"Lá cờ đầu" ngành Thuế

(QBĐT) - Chúng tôi đang nói đến Chi cục Thuế huyện Bố Trạch-"lá cờ đầu" của ngành Thuế tỉnh. Bằng sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên trong thực hiện các mặt công tác thuế, từ nhiều năm qua, Chi cục Thuế huyện Bố Trạch luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

Nuôi ba ba ở vùng bán sơn địa
Nuôi ba ba ở vùng bán sơn địa

(QBĐT) - Năng động, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, bà Nguyễn Thị Sê, thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) là một điển hình trong phong trào lao động sản xuất giỏi của địa phương với mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba giống.