(QBĐT) - Theo Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1-2-2020, Quảng Bình sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã. Từ đó, lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương có sự chuyển biến rõ rệt.
Một số xã mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng sau sáp nhập với xã khó khăn hơn, nhiều tiêu chí khó phải "bắt tay lại từ đầu", như: giao thông, thủy lợi... Trong khi đó, các xã còn nhiều tiêu chí nông thôn mới chưa hoàn thành, sau khi sáp nhập lại phải cùng chung nỗi lo khi số lượng tiêu chí chưa đạt chuẩn còn khá lớn… Do đó, khâu rà soát bước đầu cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức.
Xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập hai xã Nam Hóa và Thạch Hóa. Tính đến cuối năm 2019, xã Nam Hóa (cũ) đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020, xã sẽ hoàn thành thêm 2 tiêu chí là thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa, sau năm 2020 sẽ là hai tiêu chí giao thông và hộ nghèo. Xã Thạch Hóa (cũ) cũng chỉ mới đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới.
Đáng chú ý, tiêu chí giao thông hiện gây khó khăn với cả hai xã Nam Hóa (cũ) và Thạch Hóa (cũ). Theo đó, xã Thạch Hóa (cũ) mới đạt 3/4 chỉ tiêu, đạt 75% kế hoạch (KH), gồm: đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Còn lại 1 chỉ tiêu chưa hoàn thiện là đường trục chính nội đồng phải bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Tương tự như vậy, Xã Nam Hóa (cũ) cũng dự kiến sẽ hoàn thành tiêu chí này sau năm 2020 bởi một số chỉ tiêu vẫn chưa hoàn thiện.
|
Ngoài ra, tiêu chí thu nhập cũng đòi hỏi sau sáp nhập chính quyền và người dân xã Thạch Hóa phải nỗ lực rất nhiều. Tiêu chí này quy định địa phương phải có mức thu nhập 36 triệu đồng/người/năm, nhưng hiện tại tính riêng thu nhập của xã Thạch Hóa (cũ) mới đạt 27 triệu/người/năm.
Xã Thạch Hóa (cũ) là địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo cao, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ, giá cả không ổn định. Đất đai lại manh mún và thiên tai thường xuyên xảy ra, vật tư nông nghiệp, giá giống đang còn cao, địa bàn thường xuyên lũ lụt. Từ đó, việc tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 15,16%, hộ cận nghèo 25,87%.
Xã Nam Hóa (cũ) còn khó khăn hơn khi khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức khá cao, thu nhập trung bình của người dân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết, công việc sau sáp nhập còn nhiều ngổn ngang, trước mắt, xã đang tiến hành rà soát các tiêu chí của hai xã cũ, tiếp đó tổng hợp và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã Thạch Hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiêu chí giao thông vẫn là nỗi lo lớn của chính quyền địa phương và người dân, bởi cả 2 xã Nam Hóa (cũ) và Thạch Hóa (cũ) vẫn chưa hoàn thành tiêu chí này. Nay, sau sáp nhập, nguồn lực cho tiêu chí giao thông sẽ đòi hỏi lớn hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, tiêu chí về thu nhập cũng là “gánh nặng” khi tỷ lệ hộ nghèo của hai xã cũ còn khá cao, việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng không hề dễ dàng.
Trong khi đó, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy sau sáp nhập lại có nhiều điểm thuận lợi hơn trong xây dựng nông thôn mới, bởi xã Ngư Thủy Nam (cũ) đã hoàn thành lộ trình nông thôn mới, còn xã Ngư Thủy Trung (cũ) đã đạt 9 tiêu chí.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy chia sẻ vui là “như bắt tay làm lại các tiêu chí cũ”. Theo đó, mặc dù đang trong quá trình rà soát, đánh giá các tiêu chí sau sáp nhập, nhưng lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã Ngư Thủy chắc chắn sẽ theo hai định hướng chính. Một mặt, xã tiếp tục củng cố bền vững các tiêu chí đã đạt, mặt khác sẽ nỗ lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Nhưng, tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo có lẽ sẽ cần đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp-PTNT, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, Văn phòng vừa có công văn chỉ đạo các xã vừa mới sáp nhập trên địa bàn tỉnh bắt tay rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới, sau đó thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất giải pháp... Nhìn chung, sẽ có xã gặp khó khăn khi cả hai xã cũ đều có nhiều tiêu chí chưa hoàn thành hoặc sẽ có xã thuận lợi hơn khi một hoặc hai xã trước sáp nhập đã cán đích nông thôn mới...
Giai đoạn tiếp theo sau sáp nhập sẽ là thử thách với các xã khi nhiều phần việc còn bề bộn, đội ngũ nhân lực quản lý chưa ổn định, bỡ ngỡ, khối lượng công việc cần giải quyết lớn... Vì vậy, trước mắt, trong quá trình rà soát, đánh giá lại tiêu chí, đòi hỏi cần cách nhìn hệ thống, toàn diện và tầm nhìn xa, không phải cứ hai xã sáp nhập là “nhân đôi tiêu chí”. Đồng thời, một số tiêu chí phải cần có sự định hướng, xem xét dài hạn, như: quy hoạch, giao thông, thu nhập... Vấn đề xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa-thể thao... tại các xã sau sáp nhập cũng cần xem xét để tránh lãng phí, không cần thiết.
Mai Nhân