(QBĐT) - Theo nhận định của các chuyên gia và nhà quản lý, diễn biến thị trường bất động sản có xu hướng đi xuống trong năm 2020. Đây là thách thức lớn đối với Quảng Bình trong việc tổ chức thực hiện công tác phát triển quỹ đất nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất (SDĐ).
Năm 2020, chỉ tiêu dự toán thu tiền SDĐ HĐND tỉnh giao là 2.190 tỷ đồng, bằng 76,2% số thu thực hiện năm 2019 (năm 2019, số thu tiền SDĐ toàn tỉnh là 2.875 tỷ đồng). Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ này là điều không dễ.
Ông Từ Ngọc Quý, Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh cho biết, về cơ bản, cơ cấu chỉ tiêu giao thu tiền SDĐ năm 2020 tại các địa phương là tương đương so với các năm trước. Cụ thể, thành phố Đồng Hới chiếm 63,8% (năm 2019 là 67,2%), thị xã Ba Đồn 11,4% (năm 2019, 7,9%), các huyện Bố Trạch 10,5% (năm 2019, 10,2%), Quảng Trạch 4,5% (năm 2019, 3,7%), Lệ Thủy và Quảng Ninh 4,56% (năm 2019, 4,46%)…
Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương, nhất là các địa bàn có tỷ trọng thu lớn cần tập trung chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ tạo quỹ đất, nhanh chóng triển khai đấu giá thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu thu tiền SDĐ năm 2020 của tỉnh.
![]() |
Trong một buổi họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển quỹ đất năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã nhận định một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, tần suất giao dịch giảm hẳn so với đợt “sốt, nóng” ở thời điểm quý III-2019. Hơn nữa, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phát triển quỹ đất và thu tiền SDĐ của tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, lượng quỹ đất chuyển tiếp từ năm 2019 sang và quỹ đất mới dự kiến tạo ra trong năm 2020 bảo đảm đủ về số lượng và giá trị để đưa vào đấu giá thu tiền SDĐ theo kế hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án thi công dở dang, vướng mắc trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB). Thậm chí một số dự án tạo quỹ đất không thể GPMB, buộc phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, ảnh hướng đến tiến độ thi công, chậm đưa vào đấu giá theo kế hoạch để tạo nguồn thu tiền SDĐ.
Cụ thể, tại thành phố Đồng Hới có các dự án: Khu dân cư phía Tây đường Hữu Nghị, Khu dân cư ven sông Lệ Kỳ, dự án Đông đường Phùng Hưng, dự án Khu đô thị Sa Động, xã Bảo Ninh…; tại huyện Bố Trạch có dự án thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch; địa bàn Minh Hóa có dự án thị trấn Quy Đạt… Bên cạnh đó, nhiều dự án triển khai mới đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Mặt khác, đa số dự án đều có quy mô nhỏ và vừa, giá trị quỹ đất của mỗi dự án tạo ra không thực sự lớn. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch đấu giá thu tiền SDĐ, ngay từ bây giờ, các chủ đầu tư cần thực hiện ngay các phương án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nhằm đưa vào đấu giá càng sớm càng tốt.
Được biết, hiện địa bàn thành phố Đồng Hới có 33 dự án phát triển quỹ đất với hơn 2.000 lô đất, giá trị quỹ đất theo giá thị trường khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên-Môi trường) làm chủ đầu tư hiện 9 dự án có khả năng tiêu thụ được trong năm 2020. Riêng dự án Khu đô thị Sa Động giai đoạn 1 (gồm 60 lô đất, giá trị khoảng 120 tỷ đồng) sẽ không kịp đưa vào đấu giá vì vướng một phần đất thuộc công trình xây dựng của dự án vệ sinh môi trường thành phố chưa giải quyết xong.
Trong số 16 dự án phát triển quỹ đất do UBND thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư thì có 3 dự án không kịp đưa vào tiêu thụ (gồm: dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất ở tổ dân phố Diêm Hải, phường Phú Hải; dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất ở mới thôn Bắc Phú và dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất ở tổ dân phố Diêm Thượng, Diêm Hạ, phường Đức Ninh Đông) do chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch SDĐ và thi công không kịp tiến độ.
Ngoài ra, Sở Xây dựng làm chủ đầu tư 6 dự án phát triển quỹ đất dự kiến đưa vào tiêu thụ trong năm nay. Riêng dự án Khu dân cư Tây Hữu Nghị (giai đoạn 1) có giá trị quỹ đất 9 tỷ đồng nhiều khả năng không đưa vào đấu giá được do vướng công tác GPMB.
![]() |
Tại huyện Lệ Thủy, có 7 dự án phát triển quỹ đất dự kiến đưa vào tiêu thụ trong năm nay gồm 458 lô, giá trị khoảng 216 tỷ đồng. Hiện các dự án này đều đang trong giai đoạn thi công và sẽ đưa vào đấu giá trong quý II. Riêng dự án Khu dân cư xã Ngư Thủy Bắc nhiều khả năng sẽ không kịp đưa vào đấu giá. Tuyên Hóa là huyện miền núi có số dự án phát triển quỹ đất dự kiến đưa vào tiêu thụ khá nhiều (7 dự án, 471 lô đất, giá trị khoảng 210 tỷ đồng). Hiện chủ đầu tư đang triển khai thi công đồng thời các dự án. Tuy nhiên, có 2 dự án tại tiểu khu Đồng Văn, thị trấn Đồng Lê và thôn Liên Hóa, xã Mai Hóa sẽ không kịp thi công hoàn thành và đưa vào đấu giá trong năm 2020…
Tương tự, tại các huyện, thị xã khác trong tỉnh, nhiều dự án cũng đang trong giai đoạn thi công hoặc đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư nên khả năng đưa vào đấu giá thu tiền SDĐ trong năm nay là không cao.
Toàn tỉnh có 67 công trình, dự án ứng vốn tại Quỹ Phát triển đất đã và đang triển khai thi công, dự kiến tạo ra 4.221 lô đất, trị giá 3.796 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng quỹ đất tại các dự án chưa bố trí vốn nhưng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến triển khai và đưa vào đấu giá có tổng trị giá 1.484 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020, lượng quỹ đất dự kiến tạo ra và đưa vào đấu giá trên toàn tỉnh có trị giá khoảng 5.280 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra không dễ thực hiện, nhất là khi những khó khăn, vướng mắc kể trên không thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều.
Nguyễn Hoàng