(QBĐT) - Lâu nay, rừng trồng ở vùng gò đồi huyện Lệ Thủy được xem là cây độc canh. Bởi rừng đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho bà con, góp phần cải tạo đất cũng như bảo vệ môi trường. Để nâng hiệu quả và giá trị của đất trồng rừng, huyện đã có bước đi táo bạo khi quyết định phá “thế độc canh” bằng cách chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng rừng qua các loại cây khác.
Huyện Lệ Thủy có diện tích đất trồng rừng gần 43.000ha. Những năm qua, huyện luôn xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Các dự án về trồng rừng được triển khai đồng bộ đã tạo điều kiện cho kinh tế rừng trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Riêng trong năm 2019, huyện trồng mới 3.530ha rừng tập trung, hơn 323.000 cây phân tán các loại. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 247.150 m3, tăng 1,08% so với cùng kỳ. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên đáng kể.
Để nâng cao giá trị đất rừng, huyện đã chọn những nơi đất màu mỡ, độ dốc không lớn nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai để chuyển đổi. Giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tích cực cho bà con về giá, giống, kỹ thuật, phân bón.
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 300ha diện tích đất trồng rừng đã được chuyển đổi. Trong đó, diện tích đất được chuyển đổi chủ yếu là đất trồng thông, rừng kinh tế sang cây ăn quả, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi và trồng rừng gỗ lớn. Tuy mới triển khai, nhưng chủ trương đã cho thấy hướng đi đúng, nhiều mô hình chuyển đổi đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân cũng như việc hình thành các khu vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
Một mô hình chuyển đổi đất trồng rừng sang trồng cam ở xã Trường Thủy chuẩn bị cho thu hoạch
Xã Trường Thủy là địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi đất trồng rừng sang các loại cây khác và phát triển chăn nuôi. Hiện toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 3.560ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 1.902 ha.
Nhằm phá “thế độc canh” của rừng trồng, xã đã chuyển đổi gần 22ha đất trồng rừng sang các loại cây ăn quả, cây dược liệu, trong đó trên 10ha được sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong canh tác. Cụ thể, xã chuyển đổi đất trồng rừng sang trồng cam các loại 8ha, bưởi 3,5ha, thanh long ruột đỏ 3ha... Ngoài ra, địa phương cũng đã chuyển đổi hàng chục ha đất trồng rừng thông thường qua rừng gỗ lớn. Trong số diện tích được chuyển đổi, có nhiều loại cây đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu gấp nhiều lần trồng rừng.
Anh Đỗ Tiến Tình ở thôn Hương Thị, xã Trường Thủy có mô hình chuyển đổi hiệu quả tâm sự: “Trước đây, vườn tôi chủ yếu trồng keo, tràm. Trồng loại cây này cho thu nhập khá cao, tuy nhiên, thời gian chờ đợi mất khoảng 5 năm, có khi gặp trận bão lớn coi như cả cánh rừng mất trắng. Nhưng từ khi chuyển đổi qua trồng cam, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu, năm nào nhà tôi cũng có thu hoạch, đời sống gia đình ngày càng đi lên”.
Hiện anh Tình đang có 2ha diện tích đất rừng được chuyển đổi qua đất vườn. Mô hình của anh đã được huyện công nhận vườn mẫu cấp huyện, mỗi năm, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy chia sẻ: “Sắp tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động bà con chuyển đổi đất rừng, nhất là các diện tích trồng thông, cao su qua trồng cây ăn quả, cây dược liệu nhằm xây dựng các vườn mẫu, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Xã Thái Thủy là một trong những địa phương có diện tích đất trồng rừng lớn nhất huyện Lệ Thủy. Hiện toàn xã có trên 3.700ha rừng trồng, trong đó rừng keo và tràm là 2.985ha, rừng thông có 650ha, rừng cao su có 65ha. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất rừng, xã thống kê những hộ có rừng gần nhà, đường giao thông thuận lợi, nguồn nước tưới rồi vận động bà con chuyển đổi. Từ năm 2017 đến nay, xã đã chuyển đổi gần 25ha đất trồng rừng sang các loại cây ăn quả, cây hương bài (cây để làm hương) và chăn nuôi. Ngoài ra, xã còn chuyển đổi thành công trên 100ha đất trồng rừng thông thường sang rừng gỗ lớn.
Nhiều hộ dân ở Lệ Thủy chuyển đất trồng rừng qua đào ao nuôi cá cho thu nhập cao, ổn định.
Anh Phạm Văn Ánh, thôn An Lão, xã Thái Thủy tâm sự: “Tuy trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao, nhưng thời gian chờ đợi lâu, lại hay chịu ảnh hưởng của bão nên tôi mạnh dạn chuyển đổi gần 2ha đất trồng rừng sang cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi. Sau khi chuyển đổi, tôi thấy các loại cây trồng, vật nuôi trong vườn phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng rừng”.
Sau khi chuyển đổi đất trồng rừng, anh Ánh đã đầu tư làm mô hình VAC. Trong đó, 50% diện tích đào ao nuôi cá, 1.000m2 làm chuồng chăn nuôi lợn và gần 1ha trồng mít, ổi, cam, bưởi, nghệ…Theo tính toán của anh Ánh, mỗi ha đất trồng rừng sau 5 năm không gặp mưa bão sẽ cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Khi chuyển đổi qua mô hình VAC, gần 2ha đất của anh mang lại nguồn thu khoảng 150 triệu đồng/năm. Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho hay, tuy nguồn thu từ những mô hình chuyển đổi của bà con chưa cao nhưng đã tạo ra nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường, tránh được thiên tai, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để giúp bà con chuyển đổi đất trồng rừng sang các loại cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi, tỉnh, huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà con mua giống cây, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Thời gian tới, Phòng sẽ rà soát lại những nơi có đất đai, điều kiện chăm sóc thuận lợi để làm thủ tục cho bà con chuyển đổi. Phấn đấu mỗi năm, huyện có trên 40ha đất trồng rừng được chuyển đổi. Trong quá trình chuyển đổi, huyện sẽ hướng dẫn bà con về mặt kỹ thuật, kinh phí kết hợp việc xây dựng vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới”.
Việc chuyển đổi đất rừng đã giúp huyện Lệ Thủy đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và từng bước phá “thế độc canh” của rừng trồng trên vùng đất gò đồi, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mới phục vụ nhu cầu thị trường…
(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua hàng trực tuyến, thanh toán online thay vì trực tiếp đến các chợ, cửa hàng, siêu thị, qua đó, hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đây được xem là giải pháp an toàn, tiện lợi mà nhiều khách hàng ưa chuộng.
(QBĐT) - Tính đến sáng 15-3-2020, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.
(QBĐT) - Một số xã mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng sau sáp nhập với xã khó khăn hơn, nhiều tiêu chí khó phải "bắt tay lại từ đầu", như: giao thông, thủy lợi... Trong khi đó, các xã còn nhiều tiêu chí nông thôn mới chưa hoàn thành, sau khi sáp nhập lại phải cùng chung nỗi lo khi số lượng tiêu chí chưa đạt chuẩn còn khá lớn… Do đó, khâu rà soát bước đầu cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức.