(QBĐT) - Khi phong trào khởi nghiệp trở thành “ngọn đèn” soi đường cho thanh niên thì ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giúp cho những bạn trẻ ở huyện miền núi Tuyên Hóa chạm tay đến thành công trong việc mở hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Biến sỏi đá thành cơm…
Với sức trẻ, cùng khát khao khởi nghiệp, thanh niên huyện Tuyên Hóa đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, khắc phục khó khăn về kinh nghiệm, kỹ thuật và tính toán hợp lý với nguồn vốn ít ỏi, thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao.
Mô hình nuôi lợn rừng lai của anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Kim Lịch, xã Kim Hóa là một trong những mô hình tiêu biểu. Nhận thấy giống lợn rừng lai có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, thị trường ổn định, anh đã đầu tư 130 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống để thực hiện ý tưởng của mình. Qua 3 năm triển khai, mô hình chăn nuôi của anh luôn duy trì 10 lợn nái, hàng chục con lợn giống, lợn thịt mang về nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Thành công trong chăn nuôi đã tạo động lực để anh thực hiện những dự định về trồng trọt đã ấp ủ từ lâu.
Anh chia sẻ: "Với mong muốn cung cấp trái cây sạch cho người dân trên địa bàn, tôi đã mạnh dạn tận dụng diện tích đất gò đồi của gia đình để trồng trọt. Được Huyện đoàn Tuyên Hóa tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác do Huyện đoàn đảm nhận, cộng thêm số vốn tích góp được từ những năm chăn nuôi, tôi đã đầu tư 350 triệu đồng để trồng 1.000 gốc bưởi Phúc Trạch trên diện tích 2,5ha. Sau 2 năm triển khai, nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc, đến nay, vườn bưởi của tôi đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu."
![]() |
Đam mê nuôi rắn, anh Nguyễn Ngọc Hưng tại thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn lấy cao. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, nhập 500 trứng rắn và 460 cá thể rắn con, rắn mẹ của 2 loại rắn chính là hổ mang, ráo trâu về nuôi. Theo anh Hưng, rắn hổ mang và rắn ráo trâu là loài dễ nuôi, lớn nhanh lại ít bệnh tật và đầu ra khá ổn định. Thức ăn chủ yếu là cóc, ếch, nhái, chuột hoặc các loại gia cầm. Cứ 3 ngày mới phải cho rắn ăn một lần, riêng mùa đông, rắn chủ yếu ngủ đông, chính vì thế mà không tốn thức ăn và công chăm sóc, hiệu quả thu về lại cao.
Từ khi thực hiện đến nay, anh đã nấu được 2 nồi cao rắn, mỗi nồi thu được 5,5kg cao, giá bán 1,2 triệu đồng/100g cao rắn. Ngoài ra, anh còn ngâm rượu rắn, trọng lượng rắn quấn bình từ 2,5kg trở lên, giá bán 2,5 triệu đồng/bình.Nói về dự định tương lai, anh Ngọc Hưng cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ mở rộng quy mô, diện tích và số lượng đàn rắn, xây dựng các nông hộ xung quanh thành hệ thống trang trại vệ tinh theo hướng bao tiêu sản phẩm và mở nhà hàng tại thành phố Đồng Hới để làm thí điểm tiêu thụ sản phẩm”.
Cùng chung chí hướng phát triển kinh tế, góp sức trẻ để xây dựng quê hương như nhiều thanh niên khác nhưng anh Trần Đăng Chung ở thị trấn Đồng Lê lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Được Huyện đoàn làm cầu nối, anh đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để khởi nghiệp bằng dịch vụ in quảng cáo. Sau một thời gian hoạt động, bằng sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, cơ sở của anh đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng, mỗi năm mang về nguồn lợi nhuận trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 thanh niên với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Cách khởi nghiệp của anh Sơn, anh Hưng và anh Chung tuy khác nhau nhưng đều thể hiện bản lĩnh của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm để “biến sỏi đá thành cơm”.
Tiếp lửa cho thanh niên
Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, Huyện đoàn Tuyên Hóa đã có sự hỗ trợ đắc lực để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thực hiện thành công ý tưởng của mình. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quân, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Huyện đoàn đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN trên địa bàn huyện. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, các ĐVTN được cung cấp thông tin, hỗ trợ kiến thức, khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt… để lựa chọn hướng đi phù hợp ngay trên chính quê hương mình.
Đặc biệt, Huyện đoàn đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ NHCSXH tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Đến nay, Huyện đoàn Tuyên Hóa đã quản lý 47 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ trên 70 tỷ đồng. Trong năm 2019, Huyện đoàn đã phối hợp với NHCSXH huyện giải ngân hơn 23,8 tỷ đồng cho 541 hộ, bình quân 44 triệu đồng/hộ; huy động vốn từ các tổ viên thông qua tổ TK-VV đạt số dư 1,78 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quân, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Để quản lý số vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm không thất thoát, lãng phí, Huyện đoàn thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo cán bộ đoàn các cấp quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn vay.
Nhờ đó, hầu hết những trường hợp được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Có thể khẳng định, vốn vay từ NHCSXH ủy thác thông qua Huyện đoàn quản lý đã giúp nhiều thanh niên miền núi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong ĐVTN đặc biệt là thanh niên miền núi. Với ý chí tự lực, tự cường, hăng say lao động, sản xuất họ đã trở thành những chủ trang trại trẻ năng động, sáng tạo có thu nhập cao để từ đó góp phần hỗ trợ, giúp đỡ, cùng thanh niên miền sơn cước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Lệ Quyên