(QBĐT) - Là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế, xã Hóa Phúc (Minh Hóa) đã vươn mình mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu từ kinh tế rừng, góp phần đẩy nhanh lộ trình cán đích nông thôn mới (NTM) của địa phương.
Phát huy nội lực
Xã Hóa Phúc có hơn 150 hộ, với trên 660 nhân khẩu sống phân bố ở hai thôn Kiên Trinh và thôn Si. Ông Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết, khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hóa Phúc có xuất phát điểm rất thấp: tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế… Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Hóa Phúc đã có nhiều nỗ lực với những bước đi ổn định, vững chắc.
Theo ông Cao Bá Đồng, là một xã vùng núi gặp nhiều khó khăn nên trong quá trình xây dựng NTM, xã Hóa Phúc phải huy động và tận dụng nhiều nguồn lực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động luôn được xã Hóa Phúc chú trọng để người dân hiểu đúng và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình, qua đó, bà con phát huy được sức mạnh, tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện các phần việc trong khả năng của mình.
![]() |
Nhờ vậy, những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã Hóa Phúc đã huy động triển khai hiệu quả những phần việc nằm trong khả năng của dân, đó là: góp công, hiến đất đai, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa thôn…Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đóng góp tích cực của người dân, hệ thống hạ tầng ở Hóa Phúc đã ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Hệ thống trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, phụ vụ tốt cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của người dân…
“Trước đây đường sá đi lại học hành của con em cũng như sản xuất rất vất vả do địa hình phức tạp. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nhất là từ khi xây dựng NTM, xã được đầu tư mạnh mẽ nên điều kiện đi lại đã tốt hơn, con em đến trường thuận tiện hơn. Thực hiện xây dựng NTM, thôn bản được quy hoạch sạch đẹp hơnvà người dân được hướng dẫn sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, dễ tiêu thụ để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.”, ông Cao Hữu Tồn, một người dân ở thôn Sy (xã Hóa Phúc) chia sẻ.
“Tính đến nay, xã Hóa Phúc đã hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM. Hiện xã còn 8 tiêu chí chưa đạt, gồm:giao thông, nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, thông tin và truyền thông, văn hóa, tổ chức sản xuất. Đây đều là những tiêu chí khó thực hiện đối với xã vùng đặc biệt khó khăn như Hóa Phúc. Nhưng chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn lực và huy động sức dân thực hiện hiệu quả chương trình NTM, phấn đấu mỗi năm phải hoàn thành vững chắc từ 2 đến 3 tiêu chí”, ông Cao Bá Đồng cho hay.
"Đòn bẩy" từ kinh tế rừng
Theo ông Cao Bá Đồng, mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân nên tiêu chí về thu nhập luôn được xã Hóa Phúc xác định ưu tiên hàng đầu. Dựa trên các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, những năm qua, xã Hóa Phúc tập trung vào mũi nhọn phát triển kinh bằng việc trồng rừng.
![]() |
Trước đây, khi giá trị cây gỗ rừng trồng còn thấp, người dân vẫn còn thờ ơ với việc đầu tư để trồng rừng. Thế nhưng, từ khi xây dựng NTM, đường sá thuận lợi, giá trị kinh tế gỗ rừng trồng được nâng lên, người dân nơi đây tích cực đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất. Hiện nay, toàn xã có trên 673ha rừng trồng kinh tế. Hầu hết người dân ở xã Hóa Phúc đều có diện tích đất và tham gia trồng rừng kinh tế. Nhiều hộ gia đình nhờ trồng rừng mà xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế, như: gia đình anh Đinh Thanh Toán, Phan Hồng Thái, Đinh Quang Vinh…
Gia đình ông Đinh Hữu Ân và Đinh Thị Luyến ở thôn Si (Hóa Phúc) có trên 10 ha rừng trồng. Với phương châm trồng và khai thác “luân phiên”, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, những năm qua, gia đình ông bà có nguồn thu nhập khá, cuộc sống ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái được đầu tư ăn học đến nơi, đến chốn.
“Xác định trồng rừng là một một hướng phát triển kinh tế chủ lực để Hóa Phúc giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, tạo "đòn bẩy" để xã hoàn thành các chỉ tiêu NTM còn lại, thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo bà con tiếp tục đẩy mạnh việc trồng rừng kinh tế. Trong đó, xã khuyến khích bà con mạnh dạn xây dựng các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa và trồng rừng gỗ lớn để tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời, bảo vệ tốt môi trường”, ông Cao Bá Đồng chia sẻ.
Phan Phương