Xã Trường Thủy: Khai thác hiệu quả đất vườn, rừng, ứng phó biến đổi khí hậu

  • 09:01, 04/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt, khó lường và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản bấp bênh, thiếu ổn định, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khai thác đất vườn, rừng hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới.
 
Khởi sắc từ rừng trồng kinh tế
 
Xã Trường Thủy hiện có 540 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, sống phân bố tại 4 thôn. Trong tổng số diện tích đất tự nhiên của xã khoảng 2.100 ha, nhóm đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 90%. Tận dụng lợi thế của một vùng miền núi có diện tích đất rừng sản xuất rộng lớn, nhiều năm qua, người dân đã đẩy mạnh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng các loại cây rừng kinh tế, như: keo lai, bạch đàn, cao su, thông nhựa, hồ tiêu... Nhờ đó, đời sống kinh tế, cơ hội việc làm tại địa phương không ngừng được nâng lên hàng năm.
 
Nhờ đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, toàn bộ diện tích đất trống, đồi núi trọc ở Trường Thủy đã được phủ kín từ hàng chục năm trước. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.200 ha rừng trồng. Với việc đẩy mạnh trồng rừng, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các "tỷ phú". Không ít gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, nuôi con ăn học nên người... nhờ trồng rừng. 
Một khu vườn hộ kiểu mẫu ở thôn Hương Thi, xã Trường Thủy.
Một khu vườn hộ kiểu mẫu ở thôn Hương Thi, xã Trường Thủy.
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết, trước đây, khi kinh tế rừng trồng chưa thực sự phát huy hiệu quả, rất nhiều hộ dân trong xã "buộc" phải tìm về vùng giữa của huyện Lệ Thuỷ để xin làm đất, gặt lúa kiếm tiền theo ngày công lao động. Kể từ khi rừng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội việc làm ở địa phương đã tăng lên nhanh chóng. Nhân lực ở địa phương không đáp ứng đủ, nhiều gia đình trong xã lại phải "mời" thêm lao động từ vùng giữa của huyện lên làm công khai thác keo, tràm...
 
Thế nhưng, những năm trở lại đây, tình hình thời tiết, thiên tai luôn có sự biến đổi khắc nghiệt, khó lường, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng ở địa phương. Đơn cử, đợt bão số 10 năm 2013 đã gây thiệt hại cho hơn 70% diện tích rừng trồng ở địa phương. Đến năm 2017, bão lớn lại tiếp tục làm gãy đổ khoảng 40% diện tích rừng trồng ở xã. Không ít hộ trồng rừng do thiên tai mà thoáng chốc trở thành "con nợ", thậm chí trắng tay vì "trót" mang khối tài sản này đi cầm cố nhằm tái đầu tư sản xuất, xây dựng nhà ở, mua sắm vật dụng...
 
Nhân rộng những khu vườn kiểu mẫu
 
Trước sự biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường, kể từ cuối năm 2017, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Trường Thủy đã chủ động triển khai những giải pháp để đất vườn, rừng "đẻ tiền" hiệu quả, bền vững hơn. Cụ thể, trên cơ sở việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất đáp ứng theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới, xã Trường Thủy mạnh dạn tiến hành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm thích nghi tốt hơn với sự biến đổi của khí hậu. Cùng với đó, xã chỉ đạo nhân dân tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đăc biệt, địa phương còn xây dựng, từng bước hình thành nên những vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, tập trung, như: cây dược liệu, cây ăn quả, gà đồi, nuôi ong lấy mật; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng những khu vườn kiểu mẫu...
 
Anh Nguyễn Tiến Tình, thôn Hương Thi tâm sự, gia đình anh có trên 10 ha đất rừng trồng. Trước đây, toàn bộ những diện tích này thường trồng keo lai và bạch đàn. Những năm trở lại đây, bão lớn đã làm gãy đổ gần như toàn bộ 2 lứa rừng keo của gia đình nên hiệu quả kinh tế từ rừng trồng mang lại không cao. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ UBND xã Trường Thủy và một số cơ quan chuyên môn, cuối năm 2017, gia đình quyết định chuyển đổi 2,8 ha diện tích đất vườn, rừng sang trồng giống cam sành, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu kết hợp nuôi ong lấy mật... nhằm xây dựng một khu vườn hộ kiểu mẫu. Đến nay, nhờ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xây dựng khu vườn hộ kiểu mẫu, khu vườn nhà anh đã được UBND huyện Lệ Thủy cấp giấy chứng nhận. Năm 2018, gia đình anh đã thu về trên 700 triệu đồng. Nếu so sánh với trồng keo, tràm như trước đây thì mỗi ha ở khu vườn hộ kiểu mẫu đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5-8 lần.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho biết, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo những yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã Trường Thủy luôn tích cực vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất rừng keo, bạch đàn sang trồng cây ăn quả và dược liệu. Bên cạnh đó, địa phương còn chủ động phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, UBND huyện Lệ Thủy và các phòng, ban chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến nông; tập huấn về phát triển cây trồng vùng gò đồi, như: trồng sắn nguyên liệu, kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây có múi, lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel, xử lý rơm rạ làm phân bón sau thu hoạch...
 
Đặc biệt, xã đã tạo điều kiện cho một số cán bộ, hội viên Chi hội nông dân, người dân đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng cam tại huyện Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhờ đó, trong vòng 2 năm trở lại đây, xã Trường Thủy đã chuyển đổi được 20 ha đất vườn, rừng kém hiệu quả sang trồng các loại cây, như: cam mật, cam Khe Mây và Vũ Quang, bưởi da xanh, chanh, thanh long ruột đỏ, bơ, sả nguyên liệu, đinh lăng... Khoảng 1/2 diện tích nói trên đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước trong canh tác. Ngoài ra, một số diện tích trồng cây keo, tràm trước đây cũng được chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, trầm gió thay thế. Hiện nay, toàn xã có trên 10 khu vườn hộ kiểu mẫu đã được xã công nhận và 2 khu vườn hộ kiểu mẫu được cấp huyện, tỉnh cấp giấy chứng nhận.
 
Hiện địa phương đang tiếp tục khuyến khích nhân dân đẩy mạnh xây dựng những khu vườn kiểu mẫu nhằm gia tăng thu nhập, tạo thêm cơ hội việc làm, thích nghi, ứng phó tốt hơn với sự biến đổi của khí hậu.
                                                                                                                        Văn Minh

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình: Sáng tạo để vươn cao
Du lịch Quảng Bình: Sáng tạo để vươn cao

(QBĐT) - Với du lịch Quảng Bình, năm 2019 khép lại đầy ấn tượng với sự kiện tài năng âm nhạc hàng đầu thế giới Alan Walker ra mắt MV được quay tại Quảng Bình, mở ra nhiều cơ hội tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. "Quả ngọt" cho sự nỗ lực của ngành du lịch trong hành trình vượt khó đầy sáng tạo của năm 2019 là con số hơn 5 triệu lượt khách, với 300.000 lượt khách quốc tế.

Ngân hàng tăng cường cảnh báo hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin
Ngân hàng tăng cường cảnh báo hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin
Để đề phòng kẻ gian giả mạo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
 
Tập trung sản xuất vụ đông-xuân
Tập trung sản xuất vụ đông-xuân

(QBĐT) - Ngay từ những ngày đầu năm mới 2020, bà con nông dân huyện Lệ Thủy đã tập trung triển khai sản xuất vụ đông-xuân theo đúng kế hoạch.