(QBĐT) - Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nên Minh Hóa luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Những năm qua, huyện đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững…
Dấu ấn giảm nghèo
Ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của gia đình ông Đinh Minh Lưu nổi bật giữa thôn Thuận Hóa, xã biên giới Hóa Sơn, huyện Minh Hóa. Vài năm trước, gia đình ông Lưu còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Thế nhưng, từ năm 2013, nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện Minh Hóa, như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi bò, lợn rừng, gà đồi và trồng rừng. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, gia đình ông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.
Tương tự, trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà ở xã Hóa Hợp nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chị Hà được hỗ trợ cây giống, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây thanh long. Trên diện tích đất trước đây trồng lạc, chị Hà đã cải tạo để trồng thanh long. Đến nay, gia đình chị đã có trên 220 trụ thanh long ruột đỏ, trong đó có 120 trụ đã cho thu hoạch 3 năm nay. Không chỉ thành công từ trồng trọt, năm 2016, chị Hà mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư chuồng trại nuôi lợn bản, đào ao nuôi cá. Chị Hà cho biết, đến nay, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng và có nguồn thu mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vượt bậc của các hộ gia đình, hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Minh Hóa đã vươn lên thoát nghèo. Theo UBND huyện Minh Hóa, năm 2019, thông qua nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (30a, 135), huyện Minh Hóa đã phân bổ trên 92, 921 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Thông qua nguồn vốn giải ngân từ Ngân hàng CSXH, đã có 11.808 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền được vay 366.362 triệu đồng.
![]() |
Cùng với đó, nhiều công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, tất cả các xã ở Minh Hóa đã có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện (trong đó có 6 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến). Đặc biệt, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức tự vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của huyện Minh Hóa đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2019, toàn huyện giảm 826 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24,73% xuống còn 18,35% (giảm 6,38%), đạt kế hoạch UBND tỉnh giao; hộ cận nghèo giảm 1.185 hộ, giảm từ 40,59% xuống còn 31,37%. Toàn huyện có 25 hộ tự làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây được xem là hành động đẹp cho thấy sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Minh Hóa…
Phát huy thế mạnh của địa phương
Theo ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình sản xuất, trong đó, tập trung 2 chương trình kinh tế trọng điểm là chăn nuôi và trồng rừng kinh tế.
Thời gian qua, huyện Minh Hóa chú trọng hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo đó, huyện Minh Hóa đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn (30a, 135…) để hỗ trợ người dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: bò lai Sind, lợn ngoại. Năm 2019, huyện Minh Hóa đã phê duyệt 33 dự án với số tiền trên 5,5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Trong đó, với lợi thế là một huyện có nhiều diện tích rừng, nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, Minh Hóa đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật để giảm nghèo. Năm 2019, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ 10 dự án và liên kết với một doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm và phát triển thương hiệu mật ong Minh Hóa.
Ngoài chăn nuôi, trồng rừng kinh tế đang là một thế mạnh và hướng đi đúng mang lại nguồn thu nhập cao, giảm nghèo bền vững cho người dân Minh Hóa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, huyện khuyến khích người dân trồng các giống cây lâm nghiệp có tính chống chịu gió bão cao.
Hiện nay, huyện Minh Hóa đang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng theo tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng thế giới (chứng chỉ FSC). Năm 2019, UBND huyện Minh Hóa phê duyệt gần 4,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân mua giống trồng rừng. Diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt gần 2.000ha.
Ngoài việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn với giống cây keo lai cấy mô, huyện chú trọng khuyến khích nhân dân trồng rừng bằng cây bản địa, cây hỗn loài có giá trị cao; trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hình thành các gia trại và trang trại, từ đó góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng…
Với những bước đi cụ thể, năm 2020, Minh Hóa đặt mục tiêu giảm 4% hộ nghèo, 9% hộ cận nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân, sớm đưa huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Phan Phương