(QBĐT) - Với sự ổn định về thu nhập, mức sống dần được nâng cao, hệ thống các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được bảo đảm, người dân nông thôn sẽ hướng đến một cuộc sống "mạnh về thể chất, vững về tinh thần", qua đó, sự hài lòng của người dân đối với với lộ trình xây dựng nông thôn mới sẽ ngày càng được cải thiện.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ Trung tâm y tế xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) vừa kết thúc đợt khám thai cho chị em phụ nữ các bản vùng xa của xã. Chị chia sẻ, từ hơn 10 năm nay, phụ nữ xã Trường Xuân không còn khái niệm "sinh con ở nhà" nữa, chị em đã biết khám thai định kỳ, kiểm tra sức khỏe thai nhi thường xuyên và chọn lựa sinh nở ở Trạm y tế xã hoặc các bệnh viện tuyến cơ sở.
![]() |
Đáng chú ý, cán bộ Trạm y tế xã kết hợp với 8 y tế thôn bản cũng liên tục cập nhật thông tin về phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thai phụ, trẻ em để tư vấn, hướng dẫn kịp thời. "Có trường hợp thai đã đến lúc sinh nhưng sản phụ dùng dằng chưa muốn ra Trạm y tế, y tế thôn bản và cán bộ Trạm y tế phải động viên, thuyết phục nhiều lần và đến tận khi sắp sinh, sản phụ mới đồng ý, nhờ đó, mẹ tròn con vuông", chị Nhung nhớ lại.
Vất vả là vậy, nhưng đổi lại, cuộc sống của chị em phụ nữ Vân Kiều và người dân ở xã Trường Xuân đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ, như theo lời của Trạm trưởng Trạm y tế xã Trần Văn Trí.
Trong 5 năm 2015-2019, xã không có bệnh nhân sốt rét, chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm đều đạt tỷ lệ 100%, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các chỉ tiêu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hàng năm đều đạt và vượt. Xã Trường Xuân hiện đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.
>> Kỳ 1: "Bài toán" thu nhập có lời giải-mấu chốt của sự hài lòng
Theo Hoàng Tiến Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, những năm qua, lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng miền núi và dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới; đời sống của người dân được cải thiện, an ninh-chính trị được giữ vững, ổn định.
Đến nay, 100% xã có đường giao thông vào tận trung tâm xã; gần 60 xã có điện lưới quốc gia; hệ thống thông tin liên lạc đã đến được trung tâm các xã vùng sâu, biên giới; 100% xã có trạm y tế và trường học; nhiều trạm y tế và trường học đạt chuẩn…, bình quân tiêu chí/xã đạt 12,5 tiêu chí, tăng 10,1 tiêu chí/xã so với năm 2011; có 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2019 sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn. So với toàn tỉnh, số tiêu chí bình quân của các xã vùng miền núi và dân tộc thiểu số thấp hơn 3 tiêu chí/xã (toàn tỉnh 15,5 tiêu chí/xã).
Không riêng xã miền núi Trường Xuân, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến xã bảo đảm cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực; cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao đến tận người dân, thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại tất cả các trạm y tế trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đã được quan tâm triển khai, các chỉ tiêu cơ bản đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là chỉ tiêu về cơ sở vật chất, nhân lực y tế. Các hoạt động phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em suy dinh dưỡng tại cộng đồng được triển khai đồng bộ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, mức giảm trung bình khoảng 0,5%/năm.
Đến nay, toàn tỉnh có 120/136 xã đạt tiêu chí y tế, đạt 88,2 (tăng 35,3% so với năm 2010 và tăng 5,1% so với năm 2015), vượt 26,5% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (70%).
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa của người dân nông thôn cũng được nâng cao rõ rệt. Theo ông Trần Duy Hưng, Phó Trưởng ban Phong trào, Ủy ban MTTQVN tỉnh, phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" được đông đảo cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Toàn tỉnh có 197.017/236.255 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 83,4%. Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào kết quả chung của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Chất lượng phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát huy được tính tích cực và tác dụng thiết thực trong đời sống, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Toàn tỉnh có 918/1.218 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 75,4%.
Công tác xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới được triển khai đồng bộ, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 103/136 xã đã đạt tiêu chí văn hóa, đạt 75,7%, (tăng 52,5% so với năm 2010 và tăng 27,2% so với năm 2015), vượt 0,98% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (75%).
![]() |
Đáng chú ý, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Một số các thôn, bản đã có hương ước về giữ gìn vệ sinh chung. Hầu hết các xã đều có quy hoạch nghĩa trang cho các thôn, xóm bảo đảm nằm cách xa khu dân cư và có tổ thu gom rác thải sinh hoạt.
Nhiều các doanh nghiệp đã thực hiện các hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương.
Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng loạt lễ hội truyền thống được tổ chức bài bản ở khắp các vùng quê, góp phần bảo tồn và phát huy tốt các giá trị cảnh quan ở nông thôn.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng thu hút doanh nghiệp, tư nhân tham gia. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xã ngày càng được hoàn thiện; phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì đều đặn, rộng khắp đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho người dân.
Mai Nhân