Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

  • 10:12, 30/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, qua đó, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, huyện Tuyên Hóa đã tập trung thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp, huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...

Qua đó, nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp được nâng cao, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

Phát triển đàn bò lai mang lại thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân Tuyên Hóa.
Phát triển đàn bò lai mang lại thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân Tuyên Hóa.

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực. Giai đoạn năm 2015 đến nay, ngành nông nghiệp Tuyên Hóa phát triển tương đối ổn định, tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2019, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 18.648 tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 10,5%, trong đó, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng 1,5%, chiếm 27,56% cơ cấu nền kinh tế (mục tiêu đến hết năm 2020 là 27,23%).

Các địa phương trong toàn huyện đã tập trung quy hoạch, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, tích tụ ruộng đất sản xuất theo cánh đồng lớn và hướng cánh đồng lớn...

Từ đó, toàn huyện đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng nhanh thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững.

Hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã hình thành một số điểm ở các xã Phong Hóa, Tiến Hóa, Đức Hóa...chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập 50-70 triệu đồng/ha/năm, lãi 10-20 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 1-2 lần so với trồng các loại cây kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Các loại cây trồng thế mạnh của địa phương, như: ngô, lạc, đậu xanh, đều được được áp dụng các loại giống mới, phương pháp canh tác hiện đại mang lại năng suất, sản lượng cao.

Bước đầu, huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Huyện cũng đã triển khai xây dựng 4 dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, gồm: chuỗi giá trị bò, chuỗi giá trị gà, chuỗi giá trị cà gai leo và cây có múi.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại. Trong đó, huyện chú trọng phát triển đàn bò lai, gà và ong phù hợp với điều kiện thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, với bò lai, hiện huyện có tổng đàn bò khoảng 16.000 con, trong đó, 65% là bò lai-tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh.

Những năm gần đây, việc mở rộng đàn bò lai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vưng cho người nông dân. Một số địa phương có tỷ lệ đàn bò lai trên 70%, như: Văn Hóa, Đồng Hóa...

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Đức Thuận ở thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa thuộc diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, với việc mở rộng chăn nuôi đàn bò lai, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Anh Thuận chia sẻ, nuôi bò giống thường bán lấy thịt thì phải mất gần hai năm nhưng với bò lai thì chỉ cần chăm tốt mất khoảng 1 năm là xuất bán được. Hơn nữa, giống bò lai dễ chăm sóc, tuy phải dành đất trồng thêm cỏ nhưng so về lợi nhuận thì cao hơn. Nếu chịu khó, mỗi năm, lãi từ nuôi bò lai khoảng 100-150 triệu đồng.

Thông qua thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nếu năm 2014, huyện Tuyên Hóa chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến nay đã có 6 xã đạt chuẩn, bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm tiếp theo, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi tiềm năng... ; tích cực áp dụng khoa học công nghệ, xem đây là khâu đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành; gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường nhằm phát triển bền vững.

Cùng với đó, huyện cũng sẽ khuyến khích, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức theo hướng nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.

X.Phú

tin liên quan

Đến Phong Nha, chào năm mới
Đến Phong Nha, chào năm mới

(QBĐT) - Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức chương trình "Chào năm mới" (Phong Nha Countdown Party) tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, thu hút hơn 1 vạn người theo dõi trực tiếp và gần 500.000 lượt khán giả theo dõi, tương tác qua các kênh mạng xã hội.

Bố Trạch:  Phá "thế độc canh" của cao su
Bố Trạch: Phá "thế độc canh" của cao su

(QBĐT) - Bố Trạch từng được xem là "thủ phủ" của cây cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau thiệt hại do các đợt thiên tai từ năm 2013 đến nay cùng với giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang có xu hướng giảm dần.

Khai mở nông sản sạch ở huyện miền núi Tuyên Hóa
Khai mở nông sản sạch ở huyện miền núi Tuyên Hóa

(QBĐT) - Sau gần 3 năm triển khai, mô hình sản xuất nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn, ở thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao.