(QBĐT) - Năm 2020, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà Cục Thuế tỉnh phải thực hiện theo kế hoạch được giao là 5.200 tỷ đồng, tăng 22,5% so với dự toán Bộ Tài chính giao thu nội địa cho tỉnh Quảng Bình, trong đó số thu trừ thu tiền sử dụng đất là 3.010 tỷ đồng, tăng 9,7% so với dự toán năm 2020 Bộ Tài chính giao. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Thuế phải nỗ lực thực hiện với những giải pháp căn cơ.
Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 đối với ngành Thuế Quảng Bình là rất nặng nề. Bởi theo dự báo, tình hình kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng trong năm tới vẫn còn gặp khó khăn.
Hơn nữa, Quảng Bình lại là địa phương thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp, gây khó khăn đối với công tác thu ngân sách.
Chú trọng các giải pháp căn cơ
Trên cơ sở nhận định nói trên, để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật NSNN, Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung số 38/2019/QH14 và các Luật thuế, Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, giao nhiệm vụ phấn đấu thu cho các chi cục thuế, các phòng, bảo đảm vượt tối thiểu 5% dự toán được giao; đồng thời phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN ngay từ thời điểm đầu tiên của năm 2020.
Mặt khác, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế cơ bản để xây dựng phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh.
![]() |
Hiện tại, Cục Thuế tỉnh đang tập trung rà soát, đánh giá để tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp đôn đốc thu kịp thời những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, như: thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ du lịch, các ngành nghề phát sinh mới…; đề xuất một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho NSNN.
Một giải pháp quan trọng nữa mà Cục Thuế tỉnh cần tập trung triển khai là thực hiện đầy đủ các nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định tại các quy trình quản lý của ngành Thuế từ tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đến quản lý kê khai thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý và cưỡng chế nợ thuế....
Trong đó, đơn vị cần đặc biệt chú trọng công tác giám sát kê khai, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; thực hiện kịp thời và đúng quy trình chính sách pháp luật về miễn, giảm, gia hạn nợ, hoàn thuế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tổng cục Thuế.
Nỗ lực chống thất thu ngân sách
Cũng theo ông Đoàn Vỹ Tuyến, nhiệm vụ chống thất thu ngân sách là rất khó khăn. Vì thế, Cục Thuế tỉnh sẽ tập trung lực lượng để thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch; trong đó chú trọng kiểm tra việc phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; đồng thời tích cực đấu tranh, xác minh, phát hiện những hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để xử lý theo quy định.
Mặt khác, đơn vị cũng sẽ tăng cường phối hợp với các ngành thực hiện nhiều giải pháp nuôi dưỡng, tạo nguồn thu mới, kích cầu và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh; trong đó, chú trọng việc rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn để bảo đảm tiến độ, vốn đã cam kết, từ đó, đưa vào sản xuất kinh doanh, tăng thu cho NSNN.
Để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp nói trên, Cục Thuế tỉnh cần chủ động đề xuất với các sở, ngành, địa phương những giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần tăng cường phổ biến, quán triệt, tổ chức tập huấn chính sách, pháp luật về thuế mới ban hành, sửa đổi, bổ sung để cán bộ ngành Thuế và người nộp thuế nắm bắt, thực hiện; hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, phát triển sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp.
Nhiệm vụ thu ngân sách không chỉ là của ngành Thuế, vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cũng cần tăng cường phối hợp, thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; công khai hóa việc đầu tư, mua sắm tài sản, chi tiêu tài chính; đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu, bảo đảm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Cùng với đó, các đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời các hành vi tiêu cực, nhất là trong việc thực hiện nghĩa vụ NSNN.
Nguyễn Hoàng