(QBĐT) - Với quan điểm phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, Quảng Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với các địa phương hoàn thiện điều kiện nâng cấp thành phố Đồng Hới đạt đô thị loại II; thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Kiến Giang đạt đô thị loại IV. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa tại Quảng Bình đạt gần 30% với 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V.
Trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển đô thị phải chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới đô thị xanh, đô thị sinh thái; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị, Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án lớn, như: Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị trấn Ba Đồn, các dự án hạ tầng kỹ thuật xây dựng huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch, dự án cấp nước sinh hoạt 22 xã vùng Nam Quảng Trạch…
Đến nay, nhiều chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường trên địa bàn tỉnh đạt mức cao so với bình quân cả nước. Hiện đã có 8/9 đô thị và trung tâm huyện Quảng Trạch có nhà máy và hệ thống cấp nước, 97% dân số đô thị được cấp nước sạch, 90% hộ nông thôn có nước sạch và hợp vệ sinh. Các đô thị, cụm dân cư đều tổ chức thu gom rác thải với tỷ lệ thu gom đạt 75%; tỷ lệ cây xanh, mặt nước tại các đô thị đạt khoảng 9%.
![]() |
Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành với hạ tầng đồng bộ đã đem lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp. Ở TP. Đồng Hới, nhiều tuyến phố lớn, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp… được quy hoạch không gian hiện đại; các công trình có quy mô, tầm cỡ, kiến trúc đẹp, như: Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort, Trung tâm thương mại Vincom Đồng Hới, Trụ sở Tỉnh ủy, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, cầu Nhật Lệ 2…, được đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết, với vị trí là đô thị trung tâm, thành phố đã xây dựng các đề án về xã hội hóa vỉa hè, phát triển cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trong khu dân cư; đồng thời, ban hành các quy định về xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, quản lý, sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông, quản lý cây xanh đô thị và công viên...
Với định hướng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng và không gian đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II, Đồng Hới ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, như: giao thông, giáo dục-đào tạo, y tế, chợ, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường... Bằng sự huy động tổng hợp các nguồn vốn, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, ngoài các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại cần tính đến yếu tố quy hoạch lâu dài. Theo ông Phạm Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng, những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật của các khu đô thị mới, như: phía Tây sông Cầu Rào, phía Tây đường Hữu Nghị, phía Bắc đường Lê Lợi, khu đô thị Bắc Trần Quang Khải…, từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại góp phần cải thiện cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, khang trang.
Do đó, trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững, quan điểm nhất quán của tỉnh, của Sở Xây dựng vẫn là ưu tiên giữ lại các không gian thoáng rộng, ao hồ mặt nước, đặc biệt phải khơi thông các dòng chảy để tạo thành các linh mạch kết nối với các đô thị, kể cả việc phải xây mới các sông, hồ nhân tạo.
Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp chiến lược, như: quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đã định hướng được các yếu tố mang lại sự bền vững; các không gian xanh cần có sự liên hệ mật thiết với nhau, kết nối giữa các công trình kiến trúc riêng lẻ với không gian xanh chung của mỗi khu vực, mỗi khu chức năng; trên các tuyến đường giao thông, tăng cường hệ thống cây xanh bóng mát hai bên đường; lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh công tác đánh giá tác động môi trường trong đồ án quy hoạch…
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.
Cụ thể, Sở sẽ tham mưu chỉ đạo phát triển hệ thống đô thị trên toàn tỉnh theo các quy hoạch đã được phê duyệt; đôn đốc các địa phương lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị và các khu vực phát triển đô thị để quản lý theo Nghị định về đầu tư phát triển đô thị nhằm phát triển đô thị bảo đảm đồng bộ, hiện đại; xây dựng các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, khai thác các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật để nâng cao các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường, như: tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải, tỷ lệ cây xanh mặt nước, tỷ lệ cung cấp nước sạch, chiếu sáng; quản lý kiến trúc đô thị nhằm bảo đảm bộ mặt kiến trúc đô thị vừa khang trang, hiện đại vừa mang đậm nét truyền thống.
Th.H