(QBĐT) - Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, huyện Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tích cực duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN của huyện thời gian qua đều đạt và vượt kế hoạch giao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
![]() |
Năm 2019, giá trị sản xuất CN đạt 937.336 triệu đồng, tăng 5,08% so với cùng kỳ; trong đó, một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp có mức tăng khá, như: công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác, khai khoáng…
Đặc biệt, những năm gần đây, công nghiệp may trên địa bàn huyện Quảng Ninh phát triển khá với Nhà máy may S&D hoạt động ổn định, sản lượng 74,8 nghìn cái, đạt 101,36 % so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài Nhà máy may S&D, các cơ sở may gia công làm vệ tinh cho các nhà máy trên địa bàn bước đầu hình thành, như: Công ty TNHH may Nghĩa Tâm (xã Duy Ninh), cơ sở may Trung Hiếu (xã Vĩnh Ninh), Công ty TNHH TMDV May TTQ (xã Hải Ninh), góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tuy nhiên, CN-TTCN huyện Quảng Ninh chưa có sự phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ còn hẹp, thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa thực sự thu hút được lao động trên địa bàn, việc đầu tư cải tiến công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu; thị trường tiêu thụ còn hẹp, chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu được nhiều ra thị trường nước ngoài…
Xác định CN-TTCN phát triển một cách bền vững và lâu dài sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương, huyện Quảng Ninh đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn.
"Huyện cũng đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và kích thích sản xuất phát triển, tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho các cụm TTCN trên địa bàn; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, nhà máy duy trì phát triển sản xuất; chú trọng thu hút đầu tư gắn liền với Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại; qua đó, góp phần tích cực trong việc đa dạng hóa các loại hình, thành phần kinh tế, đóng góp cho ngân sách địa phương", ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
Th.H