(QBĐT) - Thời gian gần đây, chúng ta bắt đầu quen dần với các khái niệm mới, như: VietGAP, nông nghiệp sạch, cây dược liệu, tiêu chuẩn SRI, công nghệ cao, OCOP, trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel... thay thế cho những thuật ngữ cũ trước đây.
Nhưng, ít người biết rằng, những thành quả trong lĩnh vực nông nghiệp là cả một quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách từ Trung ương đến tỉnh, qua đó, cùng với đầu tư cơ sở vật chất là sự thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong nông dân, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực này.
Năm 2019, dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 8.800 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng khá lớn trong GRDP của tỉnh. Với kết quả này, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện rất nhiều cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là giai đoạn 2016-2020.
![]() |
Có thể kể đến một số chính sách của Trung ương và của tỉnh, đó là: hỗ trợ phát triển hợp tác xã; đào tạo nghề lao động nông thôn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Từ các chính sách này đã xuất hiện hàng loạt mô hình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, khoai lang, lạc, gà, lợn, thỏ... của các hộ thành viên với các doanh nghiệp. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp bước đầu đã xây dựng được thương hiệu, như: Diến Hồng, Tuấn Linh, An Nông, Lâm Hường, Hưng Phát, Mỹ Lộc Thượng, Dũng Na... với các sản phẩm dầu lạc, hạt tiêu, nấm sạch, khoai deo, nông sản, rau sạch, thủy sản... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng đón nhận.
Theo thống kế, trong giai đoạn 2016-2019, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh đã thực hiện 9 chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.
Đặc biệt, các chính sách này đã tạo động lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là “luồng gió mới”, thiết nghĩ, cần có sự bền chặt hơn nữa trong mối quan hệ giữa “bốn nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, trong đó, Nhà nước giữ đầu mối điều chỉnh các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng “được giá mất mùa, được mùa... không ai mua”!
Trần Minh Văn