Bố Trạch: Phá "thế độc canh" của cao su

  • 08:12, 29/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bố Trạch từng được xem là “thủ phủ” của cây cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau thiệt hại do các đợt thiên tai từ năm 2013 đến nay cùng với giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang có xu hướng giảm dần. Thay vào đó là sự "trỗi dậy" của những loại cây trồng khác theo hướng đa dạng hóa cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Lài ở thôn Sao Sa, xã Nam Trạch, trồng hơn 4 ha cao su. Năm 2015, khi giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp, chị Lài đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha cao su kém hiệu quả sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Hiện nay, gia đình chị đang duy trì tổng đàn bò gần 30 con và mỗi năm xuất bán 8 lứa gà thương phẩm, mỗi lứa hơn 1.000 con. Ngoài ra, chị Lài còn trồng hơn 1.000 gốc ổi và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mô hình này mang lại cho gia đình chị Lài nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng cam trên đất gò đồi Bố Trạch cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng cam trên đất gò đồi Bố Trạch cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chị Lài chia sẻ: “Nhận thấy cây cao su không còn giá trị kinh tế nữa, vì sau mỗi năm, giá mủ càng xuống thấp nên gia đình tôi đã mạnh dạn phá bỏ 2ha để chuyển sang đầu tư vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

Cũng nhờ chính sách khuyến khích kịp thời của huyện, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng một số diện tích ổi. Thực tế cho thấy, cây ổi rất phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây, phát triển tốt, đạt chất lượng, nên quả ổi chín "không kịp" cho thương lái nườm nượp đến thu mua”.

Tương tự như chị Lài ở Nam Trạch, năm 2015, bà Nguyễn Thị Thành ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Nông trường Việt Trung) đã mạnh dạn đầu tư gần 3,5 tỷ đồng để chuyển đổi 7ha cao su sang trồng hơn 3.000 gốc cam các loại, như: cam V2, lòng vàng và cam đường canh. Quá trình thực nghiệm cho thấy, đây là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo tính toán của bà Thành, mỗi ha sẽ cho thu hoạch từ 30-50 tấn cam, mang lại nguồn thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu vụ cam 2019 đến nay, gia đình bà Thành đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài huyện hơn 30 tấn cam, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thành cho biết: “Vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị bão gió, nên gia đình tôi quyết định phải dừng trồng cây cao su để thay thế các loại cây trồng khác, cụ thể là chuyển sang đầu tư trồng cam. Chúng tôi áp dụng phương pháp canh tác theo hướng VietGAP, cây cam cho hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất khá cao.

Đến nay, loại cây này đã đứng vững và mô hình trồng cam thành công trên vùng đất của gia đình tôi. Hiện, nhiều bà con trên địa bàn cũng đến tham quan, học tập mô hình để nhân rộng”.

Từ năm 2013 đến nay, thị trấn Nông trường Việt Trung đã chuyển đổi được hơn 700 ha cao su bị gãy đổ và kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Trong đó, huyện hỗ trợ chuyển đổi 50 ha, với mỗi ha 10 triệu đồng.

Phần lớn diện tích được chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu, sắn nguyên liệu, cây ăn quả, dưa hấu, củ đậu, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Trên địa bàn thị trấn cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó, giảm dần diện tích cây cao su trên địa bàn thị trấn xuống còn khoảng 1.300 ha.

Ông Nguyễn Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết, hiệu quả kinh tế trên diện tích từ khi chuyển đổi đến nay rất khả quan, tuy nguồn thu đem đến cho bà con chưa được cao, nhưng bảo đảm duy trì sản phẩm cũng như chất lượng và đặc biệt là tránh được thiên tai và có thu nhập ổn định. Hội Nông dân thị trấn đang khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình này, tạo bước phát triển mới về kinh tế của địa phương.

Trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thị trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch sản xuất của từng vùng, đến nay, huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 1,1 tỷ đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi.

Thị trấn Nông trường Việt Trung đã chuyển đổi nhiều diện tích cao su sang trồng cây hồ tiêu.
Thị trấn Nông trường Việt Trung đã chuyển đổi nhiều diện tích cao su sang trồng cây hồ tiêu.

Trong đó, huyện chú trọng chuyển đổi các diện tích cây cao su kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Giai đoạn 2017- 2019, huyện Bố Trạch đã chuyển đổi được khoảng trên 1.000 ha cây cao su kém hiệu quả sang trồng tiêu, dưa hấu, sắn, cây ăn quả và cây dược liệu. Toàn huyện hiện còn khoảng 7.400 ha cao su, giảm gần 20% diện tích so với năm 2015.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch trao đổi, huyện chủ trương ổn định diện tích cây cao su hiện có, đồng thời, rà soát các diện tích kém hiệu quả để chuyển đổi, tuy nhiên, phải theo quy hoạch, bài bản, gắn với chuỗi giá trị và đầu ra ổn định.

Phòng Nông nghiệp-PTNT sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích cây cao su kém hiệu quả, hướng tới xây dựng các sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phục vụ du lịch trên địa bàn.

“Thời gian tới, huyện Bố Trạch phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT để tiếp tục chuyển đổi thêm khoảng 1.500 ha cây cao su kém hiệu quả và phát triển các loại cây trồng mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, như: ngô lấy thân, sắn và cây dược liệu...

Qua đó, huyện đa dạng hóa cây trồng và từng bước "giải bài toán" độc canh cây cao su trên vùng đất gò đồi, đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mới phục vụ nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch khẳng định thêm.

Hương Trà

tin liên quan

Khai mở nông sản sạch ở huyện miền núi Tuyên Hóa
Khai mở nông sản sạch ở huyện miền núi Tuyên Hóa

(QBĐT) - Sau gần 3 năm triển khai, mô hình sản xuất nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn, ở thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu
Khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Chiều 28-12, Tập đoàn đầu tư Đoàn Gia khai trương mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu Đoàn Gia resort Phong Nha.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững
Phát triển đô thị theo hướng bền vững

(QBĐT) - Với quan điểm phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, Quảng Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững.