Xây dựng sản phẩm đặc trưng, khẳng định thương hiệu nông sản Bố Trạch
08:11, 23/11/2019
(QBĐT) - Nhằm làm thay đổi tư duy, diện mạo trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Bố Trạch đã không ngừng nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra những nông sản đặc trưng, có giá trị, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Phát huy tiềm năng thế mạnh
Lý Trạch là một trong những địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, vừa tăng mức thu nhập cho người dân, vừa hạn chế bỏ hoang đất trồng lúa và làm đẹp thêm làng quê.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Tôn, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, cho biết, hiện trên địa bàn xã đã có 1 hợp tác xã hoa Lý Trạch chuyên cung cấp hoa cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân, vì vậy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để động viên người dân mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, trước tình hình nhiều diện tích ruộng cạn thiếu nước trong vụ hè-thu, chính quyền xã cũng vận động người dân khắc phục, mở rộng diện tích để trồng hoa và cây ăn quả, tránh bỏ đất trống. Đến nay, toàn xã có trên 40ha diện tích đất canh tác quanh năm các loại hoa và phân bố đều trên 10 thôn.
Xã Lý Trạch mở rộng diện tích để trồng hoa và cây ăn quả, hạn chế bỏ ruộng hoang.
Tương tự như Lý Trạch, nhiều địa phương ở Bố Trạch đã xác định được thế mạnh đột phá, tạo những nông sản đặc trưng, như: xã Hòa Trạch, Cự Nẫm phát triển cây ăn quả, cây dược liệu; xã Nam Trạch trồng ngô lấy thân; xã Xuân Trạch trồng cây dược liệu; thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Phú Định phát triển mạnh cây tiêu, cây ăn quả; xã Mỹ Trạch sản xuất nấm. Điển hình, một số xã, như: Nam Trạch, Xuân Trạch, đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch khẳng định: “Qua 4 năm triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn địa bàn, huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận từ phía người dân, nhất là đối với người dân vùng gò đồi. Một số địa phương đã huy động tốt các nguồn lực từ người dân và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án để thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thực tiễn. Chất lượng giống cây trồng chủ lực đã có sự chuyển biến đáng kể nên năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, góp phần bảo đảm mục tiêu sản lượng lương thực 45.000 tấn/năm như đã đề ra. Các mục tiêu về diện tích, sản lượng, giá trị, thu nhập từ trồng nấm, cây dược liệu, cây ăn quả đạt kế hoạch. Toàn huyện đã chuyển đổi được 300ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và 1.000ha đất trồng cao su sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; mở rộng canh tác các loại dược liệu với hàng trăm ha đất vùng gò đồi, đất bỏ hoang”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, chất lượng công tác chuyển đổi cây trồng đã có sự chuyển biến về chất nhờ việc áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ vào sản xuất. Tiêu biểu là các cơ sở đã có chứng nhận VietGAP cho sản phẩm, như: hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp Dũng Na, HTX sản xuất rau sạch An Nông, cam của hộ ông Bế Văn Mai, nấm của HTX Tuấn Linh, HTX sản xuất kinh doanh cây dược liệu xã Cự Nẫm, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình, HTX nông nghiệp tiêu Phú Quý...
Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp-HTX-hộ nông dân cũng đã được hình thành. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích thành viên HTX và nông dân tham gia liên kết. Điển hình các chuỗi sản xuất có sự liên kết, như: chuỗi lạc (liên kết giữa người dân và cơ sở sản xuất dầu lạc Phong Nha, Nguồn Son); chuỗi ngô lấy thân (liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chăn nuôi bò Lê Dũng Linh); chuỗi sắn (liên kết giữa người dân và nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh, nhà máy tinh bột Long Giang); chuỗi nấm (liên kết giữa người dân, các tổ hợp tác với HTX sản xuất nấm sạch Tuấn Linh); chuỗi cây dược liệu (liên kết giữa người dân, tổ hợp tác với chi nhánh Công ty Sơn Trung Du tại Quảng Bình...);...
Một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu có uy tín với thị trường và được nhiều người biết đến, như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, dầu lạc Phong Nha, cao cà gai leo Thanh Bình, ổi VietGAP Tâm An, tiêu Phú Quý, cam Nông trường...
Để mỗi xã có một sản phẩm đặc trưng
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn những khó khăn nhất định. Đó làmặc dù năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực đã có sự cải thiện nhưng cơ cấu bộ giống lúa, ngô vẫn còn quá nhiều chủng loại; một số diện tíchngô, cây cao su chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng bỏ hoang diện tích lúa vụ hè-thu ở một số địa phương ngày càng nhiều nhưng thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết.
Nhiều nông sản tinh chế của huyện Bố Trạch được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn.
Công tác chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất cao su kém hiệu quả đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều lúng túng, một số địa phương chưa xác định được cây trồng thay thế; khả năng mở rộng quy mô sản xuất đối với rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, các loại hoa cao cấp chưa được nhiều.
Mục tiêu của huyện về nâng cao thu nhập cho người dân chỉ đạt đối với một số đối tượng cây trồng, như: nấm, dược liệu, hoa, rau VietGAP, cây ăn quả, ngô lấy thân, mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng sen. Còn các cây trồng, như: lúa, ngô, lạc, sắn, cao su, tiêu..., thu nhập vẫn còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
“Vì vậy, để tạo được nhiều hơn các nông sản đặc trưng, có giá trị, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải pháp của huyện trong thời gian tới là đẩy mạnh việc đưa các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; đồng thời, tăng cường việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến và mở rộng hình thức liên kết với các cơ chế biến sản phẩm để sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Huyện tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi đất trồng cao su, sắn, ngô, lạc kém hiệu quả sang các đối tượng khác có hiệu quả hơn; vận động các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tàu trong công tác chuyển đổi trên địa bàn huyện mở rộng quy mô, liên kết bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm tốt đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa vào lộ trình xây dựng sản phẩm theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi thêm.
(QBĐT) - Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
(QBĐT) - Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay: "Hiện trên địa bàn huyện có trên 2.700 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 20% số hộ toàn huyện. Những năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đặc biệt, việc phát triển đàn bò cho thu nhập cao đã từng bước giúp bà con thoát nghèo, ổn định và kinh tế ngày càng đi lên".
(QBĐT) - Với mục tiêu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, bảo đảm cung ứng điện an toàn ổn định trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao ngay từ những tháng đầu năm.