(QBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh đã triển khai các hoạt động tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện; hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Bà Dương Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Ninh cho biết: Xác định vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của nhiệm kỳ 2016-2021, hàng năm, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cơ sở phối hợp rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; lựa chọn đối tượng, tìm giải pháp để tập trung giúp đỡ nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 12,74 % (cuối năm 2016) xuống còn 6,3% (năm 2018).
![]() |
Để xác định hướng hỗ trợ phù hợp, các cấp hội trong huyện đã rà soát nhu cầu việc làm đối với phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, phụ nữ gia đình chính sách; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ lồng ghép trong các chương trình hoạt động hội.
Nhằm trang bị kiến thức cho hội viên, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh và các trường dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn quản lý vốn, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn cho 100% cán bộ hội; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nghị quyết HĐND huyện về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế với trên 86% hội viên phụ nữ tham gia.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” và trưng bày sản phẩm tại huyện với 15/15 đơn vị tham gia.
Tại ngày hội, đã có trên 100 mặt hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống do phụ nữ làm chủ. Qua đó làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, huyện.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng đã hỗ trợ 11 hội viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp phát triển kinh tế; tranh thủ các chương trình, dự án tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp vay trên 3,2 tỷ đồng đề đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xác định giảm nghèo là vấn đề quan trọng, là đòn bẩy tạo nên sự thành công của các phong trào khác, cùng với đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, việc nâng cao thu nhập cho chị em luôn được Hội LHPN huyện quan tâm, triển khai bằng các hình thức thiết thực.
Để giúp hội viên tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, hàng năm, ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, hội còn đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách cho các hội viên gặp khó khăn vay.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Liên Việt, Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển Quảng Ninh và các chương trình giải ngân vốn mới với vốn quay vòng 286,3 tỷ đồng cho 8.296 lượt phụ nữ vay đầu tư phát triền kinh tế gia đình; tăng cường vận động các hộ vay vốn trả gốc, lãi bảo đảm kế hoạch đề ra với tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm chiếm 0,09%/0,1% kế hoạch.
Với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn... cho thu nhập cao.
Không chỉ hướng dẫn hội viên, phụ nữ đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh còn vận động các thành viên vay vốn tích cực, tham gia phong trào thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế. Thực hiện chỉ tiêu 100% hội viên tham gia ít nhất 1 loại hình tiết kiệm, đến nay, huyện Quảng Ninh có 662 nhóm tiết kiệm-tín dụng/24.675 lượt thành viên; số tiền tiết kiệm tăng trên 21,5 tỷ đồng cho 9.325 lượt phụ nữ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Thực hiện tiêu chí “Gia đình không đói nghèo”, hội đã chỉ đạo các đơn vị nhận giúp các hộ phụ nữ nghèo; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo có địa chỉ; đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Một trong những điểm nổi bật trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ở Quảng Ninh là đã xây dựng thành công nhiều mô hình chỉ đạo điểm về phát triển kinh tế. Theo đó, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã khảo sát xây dựng các mô hình thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, như: mô hình trồng thanh long sạch ở Vạn Ninh, rau sạch ở Võ Ninh, nấm thương phẩm ở Gia Ninh, gà đồi ở Trường Xuân, mướp đắng sạch ở Hiền Ninh...
Có thể nói, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệpsáng tạo,phát triển kinh tế của Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; qua đó, góp phần làm cho phong trào của hội phát triển mạnh mẽ, tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Th.Hải