Để rừng ngày một thêm xanh

  • 10:11, 03/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Để Quảng Bình trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tham gia thành công Đề án thí điểm REDD+ cấp vùng, nhận được số tín chỉ các-bon như mong đợi, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, hướng mục tiêu nâng cao diện tích trồng rừng gỗ lớn để rừng trên địa bàn ngày một thêm xanh.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về rừng với tổng diện tích đất có rừng là 585.207 ha chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do đó, từ năm 2012, Quảng Bình đã xem việc thực hiện REDD+ là nhiệm vụ trọng tâm.

Tập huấn về biện pháp lâm sinh cho phát triển rừng trồng và rừng tự nhiên tại 4 huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.
Tập huấn về biện pháp lâm sinh cho phát triển rừng trồng và rừng tự nhiên tại 4 huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Có thể nói, việc thực hiện REDD+ như một "mũi tên" trúng nhiều đích, vừa giúp bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát triển sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng và giúp họ tiếp cận các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường, xã hội để phát triển bền vững.

Về mặt tài chính, nếu tiếp cận được thị trường các-bon, nguồn thu từ REDD+ sẽ hỗ trợ nguồn ngân sách đang thiếu dành cho việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, với sự giúp sức tích cực từ dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ (FCPF) giai đoạn 1 (2013-2016) và giai đoạn 2 (2016-2019), Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc sẵn sàng thực hiện REDD+.

Một trong những kết quả quan trọng là Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-UBND, ngày 25-4-2016. Kế hoạch tập trung thực hiện tại 19 xã ưu tiên thuộc 6 huyện và các chủ rừng lớn. Kế hoạch bao gồm ba hợp phần chính, đó là: quản lý rừng, xã hội và môi trường, các vấn đề liên quan đến quản lý.

Kế hoạch đã vạch ra lộ trình cụ thể trong việc thực hiện REDD+ của tỉnh, giúp triển khai các hoạt động REDD+ lồng ghép trong thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020 đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa và cải thiện sinh kế cho các chủ rừng và người dân trong tỉnh. Kế hoạch đã được Sở Nông nghiệp-PTNT tham mưu sửa đổi ngày 20-9-2018.

Quảng Bình cũng đã xây dựng được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để quản lý nguồn thu từ REDD+. Quỹ đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3466/QĐ-UBND ngày 2-10-2017; Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ được ban hành chi tiết theo Quyết định 4387/QĐ-UBND, ngày 4-12-2017.

Việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền đề quan trọng để Quảng Bình tham gia triển khai đề án và chia sẻ lợi ích nhận được một cách minh bạch tới các bên hưởng lợi liên quan.

Các hoạt động kỹ thuật liên quan thực hiện REDD+ cũng được chuẩn bị tích cực trên toàn địa bàn tỉnh.

Trao đổi về điều này, ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnhcho biết thêm, dự án FCPF đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức 2 cuộc hội thảo tham vấn cấp tỉnh về cơ chế chia sẻ lợi ích và cơ chế khiếu nại phản hồi trong thực hiện REDD+; 9 hội thảo tham vấn cấp xã, 2 hội thảo tham vấn cấp huyện về bảo đảm an toàn xã hội và người dân tộc thiểu số có sự tham gia; 1 cuộc hội thảo tham vấn cấp tỉnh, 2 hội thảo tham vấn cấp huyện, 12 hội thảo tham vấn cấp xã về tình hình thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản.

Các hội thảo này cung cấp thông tin nhằm hoàn thiện các nội dung cần thiết của đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (đề án) cũng như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương.

Đồng thời, dự án FCPF đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 145 máy tính bảng và tổ chức 13 lớp tập huấn kỹ thuật thực hiện giám sát rừng bằng máy tính bảng tích hợp phần mềm FRMS mobile cho cán bộ quản lý rừng các cấp trên địa bàn tỉnh làm căn cứ tính toán tín chỉ các-bon từ đề án để nhận chi trả.

Hoạt động tuyên truyền lợi ích và tầm quan trọng của chứng chỉ rừng cũng được dự án chú trọng triển khai. Việc tổ chức tham quan mô hình đạt chứng chỉ rừng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị cũng như tổ chức các lớp tập huấn trồng rừng gỗ lớn, các biện pháp lâm sinh cho phát triển rừng trồng và rừng tự nhiên tại các huyện, xã có rừng trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với ngành lâm nghiệp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng trồng rừng gỗ lớn là biện pháp hiệu quả giúp rừng trồng ít bị thiệt hại do gió bão, bảo đảm thu nhập lâu dài cho người dân; là hướng đi thích hợp giúp tăng cường trữ lượng các-bon của rừng để Quảng Bình thực hiện tốt hoạt động REDD+, hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh và đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Thông qua 30 cuộc tuyên truyền REDD+ ở địa phương, dự án FCPF-2 cũng đã hỗ trợ tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và REDD+, đề án giảm phát thải và một số nội dung liên quan cho 1.581 lượt cán bộ các cấp, các chủ rừng và cộng đồng của các xã trong vùng thực hiện REDD+.

Các thông tin về hoạt động REDD+ trên địa bàn tỉnh cũng liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cộng đồng địa phương nhận thức được các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những lợi ích và rủi ro khi tham gia thực hiện REDD+, cũng như vai trò của từng đối tượng khi tham gia sáng kiến này.

Các cuộc họp, hội thảo tiếp thu ý kiến các bên liên quan với sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo sáng kiến REDD+ cấp tỉnh được tổ chức hàng năm giúp tiến trình thực hiện REDD+ ngày càng hiệu quả, qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của Quảng Bình về các giải pháp ngoài ngành và phối hợp liên ngành để bảo đảm thực hiện thành công Kế hoạch PRAP của tỉnh Quảng Bình và đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn kỹ thuật thực hiện giám sát rừng bằng máy tính bảng cho cán bộ quản lý rừng các cấp trên địa bàn tỉnh.
Tập huấn kỹ thuật thực hiện giám sát rừng bằng máy tính bảng cho cán bộ quản lý rừng các cấp trên địa bàn tỉnh.

“Việc thực hiện thành công REDD+ và tương lai là đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là một tiến trình lâu dài, cần sự nỗ lực của hệ thống tổ chức, các chủ rừng, người dân sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng.

Trong thời gian tới, Ban quản lý dự án FCPF-2 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Quảng Bình triển khai những hoạt động về tổ chức, kỹ thuật và truyền thông cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu khi thực hiện đề án giảm phát thải, giúp Quảng Bình trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tham gia thành công đề án thí điểm REDD+ cấp vùng, nhận được số tín chỉ các-bon như mong đợi, cung cấp nguồn tài chính chính đáng để cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương được tốt hơn, để rừng Quảng Bình ngày một thêm xanh”, ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.

REDD+ là sáng kiến quốc tế cung cấp và hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển để giảm tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Việc cung cấp hỗ trợ này thông qua năm hoạt động chính sau: hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng cac-bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, tăng cường trữ lượng cac-bon rừng.

Sau 10 năm tham gia và sáng kiến REDD+, Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế chính sách và chuẩn bị các yếu tố về mặt kỹ thuật để sẵn sàng việc thực hiện REDD+.

Hương Trà

tin liên quan

Nghị lực của ông Đào
Nghị lực của ông Đào

(QBĐT) - Tuy số phận mang đến cho ông những điều nghiệt ngã, nhưng bằng ý chí, nghị lực, ông đã vượt qua nghịch cảnh để sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, khiến nhiều người cảm phục. Ông chính là Đặng Xuân Đào, sinh năm 1964, ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch.

Triển khai hiệu quả nguồn vốn khuyến công
Triển khai hiệu quả nguồn vốn khuyến công

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, 10 tháng năm 2019, gần 4,5 tỷ đồng đã được giải ngân để thực hiện các đề án phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Thị xã Ba Đồn:  Khai thác tiềm năng các làng nghề truyền thống
Thị xã Ba Đồn: Khai thác tiềm năng các làng nghề truyền thống

(QBĐT) - Thị xã Ba Đồn hiện hiện duy trì 9 làng nghề, làng nghề truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, nhiều người vẫn quyết bám nghề, giữ nghề truyền thống gắn với đổi mới để làng nghề tồn tại và phát triển…