Tái đàn sau dịch bệnh ở Quảng Ninh: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

  • 08:10, 03/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bệnh lở mồm long móng (LMLM), dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi của huyện Quảng Ninh. Chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, việc tái đàn để cung cấp thực phẩm cho thị trường Tết vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thiệt hại nặng vì dịch bệnh

Tháng 1-2019, dịch LMLM xảy ra trên địa bàn 2 xã An Ninh, Vạn Ninh, trọng điểm chăn nuôi của huyện Quảng Ninh. Đến tháng 3-2019, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định công bố hết dịch LMLM. Bệnh LMLM làm 1.560 con lợn (tương đương gần 28,5 tấn) bị chết và tiêu hủy, trong đó, xã Vạn Ninh 1.230 con, xã An Ninh 330 con.

Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Hữu Lương cho biết: “Bệnh LMLM ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất chăn nuôi của xã. Toàn xã có 145 hộ dân ở 9 thôn có lợn bị chết và tiêu hủy. Sau LMLM lại đến DTLCP, mặc dù DTLCP không xảy ra trên địa bàn nhưng tâm lý người chăn nuôi bất an. Mặc dù chăn nuôi là thế mạnh của Vạn Ninh nhưng UBND xã không khuyến khích người dân phát triển đàn lợn, chỉ duy trì tổng đàn hiện có”.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh chia sẻ: “Một thực tế là bệnh LMLM xảy ra trên đàn lợn chủ yếu thuộc các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, còn các trang trại chăn nuôi tập trung thì vẫn an toàn do chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Gần 7 tấn lợn bị tiêu hủy vì bệnh LMLM là một thiệt hại không hề nhỏ cho người dân”.

Sau bệnh LMLM, DTLCP tiếp tục lan đến huyện Quảng Ninh. Khởi phát đầu tiên tại 10 hộ dân ở xã Gia Ninh vào ngày 25-6-2019 với số lượng 37 con lợn sau đó lan sang xã Võ Ninh (ngày 28-8), Trường Xuân (ngày 21-8) và Duy Ninh (19-8). Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 18 hộ, 101 con lợn bị tiêu hủy với trọng lượng trên 5,3 tấn.

Các trang trại chăn nuôi lợn ở xã Vạn Ninh vẫn duy trì tốt số lượng đàn lợn nhờ tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các trang trại chăn nuôi lợn ở xã Vạn Ninh vẫn duy trì tốt số lượng đàn lợn nhờ tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh.

DTLCP mặc dù gây thiệt hại không lớn đến tổng đàn lợn nhưng lại gây ra tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi và cả người tiêu dùng. Thị trường gần như “đóng băng” với thịt lợn xuất xứ từ vùng có dịch, mặc dù địa phương đó đã công bố hết dịch và dịch không tái diễn trở lại.

Không khuyến khích tái đàn lợn vì mức độ rủi ro cao

Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh trao đổi: “Dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn lợn như DTLCP dù không gây ra thiệt hại lớn nhưng bùng phát ở nhiều địa phương và kéo dài dai dẳng.

Chủ trương của huyện Quảng Ninh hiện tại là không khuyến khích nhân dân tái đàn, phát triển số lượng vì mức độ rủi ro do dịch bệnh rất cao. Huyện động viên nhân dân tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho tổng đàn gia súc, trong đó có đàn lợn hiện có”.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Kỷ, huyện Quảng Ninh đã hoàn thành xong đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc đợt một. Cụ thể, tiêm vắc xin LMLM cho 6.825 con trâu bò, 19.000 con lợn; tiêm vắc xin dịch tả, tam liên lợn cho 11.395 con; tụ huyết trùng trâu bò 4.103 con… Hiện tại, huyện đang tập trung tiêm phòng vắc xin đợt hai, hoàn thành xong trong tháng 10.

Cùng quan điểm của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh khẳng định: “Nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong tái đàn lợn, Vạn Ninh không khuyến khích những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư phát triển đàn lợn trở lại.

Chỉ duy trì, phát triển đàn lợn tại các trang trại tập trung, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường Tết Nguyên đán. Trước dịch bệnh, toàn xã có hơn 11.100 con lợn, sau dịch chỉ còn 7.235 con, trong đó, tập trung chủ yếu trong 22 trang trại với 5.000 con”.

Trở lại với khu vực trang trại chăn nuôi tập trung tại xã Vạn Ninh, đi qua dịch LMLM, DTLCP, trang trại ông Ngô Đình Quy và các trang trại khác đều được “miễn nhiễm”. Theo lời ông Ngô Đình Quy, người chăn nuôi lợn như “cãi nhau với trời”, mức độ rủi ro rất cao.

Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, khi dịch xảy ra, các chủ trang trại quán triệt phương châm “bế quan, tỏa cảng”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tập trung vào công tác phòng, chống bệnh cho gia súc, trong đó, yếu tố phòng, tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh khâu chuồng trại… được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh chia sẻ: “Không khuyến khích những hộ chăn nuôi trong khu dân cư khôi phục đàn lợn trở lại vì rủi ro dịch bệnh cao, gây ô nhiễm môi trường nhưng xã cũng động viên các chủ trang trại đủ điều kiện cố gắng tái đàn trở lại. Ít nhất bảo đảm được nguồn cung thịt lợn sạch cho người dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

Theo ông Quang, ở xã An Ninh chỉ có 2 trang trại đủ điều kiện để nuôi lợn với số lượng lớn, đó là trang trại của anh Nguyễn Thọ Kiên, quy mô 300 con; trang trại anh Trương Văn Dễ, quy mô 26 heo nái, 180 con lợn thịt.

Dù muốn tăng số lượng đàn lợn nhiều hơn vì thị trường sau ảnh hưởng dịch bệnh và vào dịp cuối năm sẽ khan hiếm nguồn thịt lợn, người chăn nuôi sẽ được giá nhưng anh Nguyễn Thọ Kiên buộc phải chọn giải pháp an toàn khi chỉ nuôi 240 con lợn cung ứng cho thị trường Tết. Tương tự như thế, anh Trương Văn Dễ cũng chỉ tăng thêm 100 con lợn, xuất chuồng vào dịp cuối năm.

Gần một năm đi qua đầy những khó khăn đối với ngành chăn nuôi của huyện Quảng Ninh. Và chắc chắn rằng số lượng tổng đàn gia súc, trong đó, có đàn lợn, chưa thể phục hồi được vì mức độ rủi ro cao trước nguy cơ dịch bệnh.

Thanh Long

tin liên quan

Bố Trạch:  Năng suất lạc cao nhất trong vòng 4 năm qua
Bố Trạch: Năng suất lạc cao nhất trong vòng 4 năm qua

(QBĐT) - Những năm gần đây, diện tích trồng lạc của một số địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch có xu hướng giảm. Tuy nhiên, năng suất lạc năm 2019 của Bố Trạch đạt 23,3 tạ/ha, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và khá đồng đều giữa các địa phương.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản

(QBĐT) - Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thành lập HTX sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa
Thành lập HTX sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa
(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, UBND thị xã Ba Đồn đã hỗ trợ gần 450 triệu đồng thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa.