Bền vững lộ trình nông thôn mới ở Quảng Ninh-Kỳ 2: Bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM

  • 08:10, 28/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh phấn đấu có 13/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), số tiêu chí đạt chuẩn theo quy định được giữ vững; có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Với kế hoạch cụ thể này, huyện Quảng Ninh xác định mục tiêu cao nhất của xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

Kiện toàn tổ chức sản xuất

Xác định xây dựng NTM không chỉ là để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới mà quan trọng hơn là đời sống của người dân phải được nâng cao, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện dồn điền đổi thửa giúp người dân Quảng Ninh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện dồn điền đổi thửa giúp người dân Quảng Ninh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, trong xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là một tiêu chí. Tuy nhiên, với đặc thù của một địa bàn thuần nông với 108.394ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện Quảng Ninh xác định DĐĐT là động lực cho phát triển sản xuất hàng hóa trong kinh tế nông nghiệp, tạo đà tích cực cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM.

Năm 2013, UBND huyện ban hành đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp; xây dựng kế hoạch DĐĐT đất nông nghiệp giai đoạn 2014-2016. Lộ trình DĐĐT được tiến hành tại Quảng Ninh cụ thể, gồm: năm 2014, huyện chọn 3 xã Xuân Ninh, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh làm điểm, đồng thời, khuyến khích các xã, thị trấn còn lại triển khai đồng loạt trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP.

>> Bài 1: Dấu ấn của lòng dân

Giai đoạn 2015-2016, huyện phấn đấu hoàn thành khâu đo đạc, thành lập bản đồ để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau DĐĐT. Với sự nỗ lực của nhân dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị, huyện Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu toàn tỉnh trong công tác DĐĐT với 15/15 xã, thị trấn triển khai; số diện tích dồn điền 4.726 ha; số thửa bình quân 2,13 thửa/hộ, diện tích bình quân 1.468 m2/thửa.

Thực hiện tốt công tác DĐĐT, bà con nông dân huyện Quảng Ninh tự tin đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất và thu hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các chuỗi giá trị…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, qua khảo sát đánh giá, huyện hiện có 25 sản phẩm thế mạnh có khả năng tham gia Chương trình OCOP. Trên cơ sở danh mục OCOP và đề xuất của các địa phương, huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn lựa chọn các danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ.

Theo đó, giai đoạn 2018-2020, huyện Quảng Ninh xác định tập trung vào 10 chuỗi giá trị mới nhằm tạo tiền đề cho OCOP. Với quan điểm thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, không đầu tư dàn trải, trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện Quảng Ninh đã ưu tiên tập trung và xây dựng thành công 4 chuỗi liên kết sản xuất gồm: khoai deo Hải Ninh, mật ong Trường Xuân, gạo Vĩnh Tuy và dưa hấu Hàm Ninh. Chương trình OCOP nhờ đó đã từng bước khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Cùng với việc phát triển các chuỗi giá trị, huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện cũng quan tâm chính sách hỗ trợ giống cây trồng cho 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn; thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn...

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng/người/năm (tăng 10,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2015); có 12/14 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (tăng 12 xã so với năm 2010).

Không có “điểm dừng”

Chặng đường 10 năm xây dựng NTM ở huyện Quảng Ninh ghi nhận những đổi thay tích cực về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất, văn hóa, trường học… Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững.

Đây chính là bước đệm để huyện Quảng Ninh bước tiếp những bước đi vững chắc trong quá trình xây dựng NTM. Huyện Quảng Ninh đặt kế hoạch đến năm 2020 có 12/14 xã đạt chuẩn NTM, 1-2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2-3 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hề, Trưởng thôn Lộc Long chia sẻ, tháng 8 năm 2018, thôn được tỉnh và huyện chọn làm mẫu xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; đây vừa là niềm vinh dự cũng vừa là trách nhiệm đối với cán bộ, nhân dân Lộc Long.

Với sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân, thôn Lộc Long đã đạt các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu với 100% đường trục chính thôn được cứng hóa và có biển báo, trong đó trên 90% đường không lầy lội và có cây xanh, hoa hai bên đường; hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật với 100% trục đường thôn xóm đều có bóng điện chiếu sáng; 100% nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.

Đặc biệt, những năm gần đây, thôn Lộc Long đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các thị trường truyền thống, như: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Với nguồn ngoại tệ đáng kể gửi về địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn giảm còn 1,83%.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả mang lại thu nhập bền vững cho nông dân Quảng Ninh.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả mang lại thu nhập bền vững cho nông dân Quảng Ninh.

Nhờ đó, Lộc Long là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn huyện. Ngoài tiêu chí thu nhập, điểm thực sự ấn tượng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở Lộc Long chính là người dân đã quen với nếp sống xanh-sạch, luôn chú trọng chăm sóc nhà cửa, cải tạo vườn tược, có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng vườn kiểu mẫu nhằm tạo diện mạo mới trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan, môi trường; góp phần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất cũ của người dân, bước đầu kết nối với thị trường.

Xây dựng NTM là “câu chuyện dài”, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. “Chính vì vậy trên cơ sở mục tiêu và các kế hoạch đã đặt ra, huyện Quảng Ninh sẽ tập trung rà soát và triển khai hoàn thành có hiệu quả các nội dung của Chương trình giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch thực hiện sau năm 2020 trên cơ sở sát với tình hình thực tế địa phương; ưu tiên cho các địa bàn khó khăn, tập trung một số nội dung ở các tiêu chí còn đạt thấp để từng bước hoàn thiện tiêu chí NTM bền vững.

Theo đó, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gắn với các công việc cụ thể; thực hiện quyết liệt các nội dung liên quan đến phát triển tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị; lồng ghép các nguồn vốn nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng thiết yếu; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình và phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ thêm về những nhiệm vụ mà huyện tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thanh Hải

tin liên quan

Bố Trạch: Nâng cao chất lượng điện vùng nông thôn
Bố Trạch: Nâng cao chất lượng điện vùng nông thôn

(QBĐT) - Với thông điệp "Tận tâm, chuyên nghiệp, hiệu quả", 3 tháng cuối năm 2019, Điện lực Bố Trạch triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng điện nông thôn.

Bền vững lộ trình nông thôn mới ở Quảng Ninh-Bài 1: Dấu ấn của lòng dân
Bền vững lộ trình nông thôn mới ở Quảng Ninh-Bài 1: Dấu ấn của lòng dân

(QBĐT) - Là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp, nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) còn khó khăn, tuy nhiên, sau 10 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, huyện Quảng Ninh đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Đến Quảng Bình cùng du lịch trải nghiệm
Đến Quảng Bình cùng du lịch trải nghiệm

(QBĐT) - Không "đóng khung" trong những tour du lịch đã mặc định sẵn hay những những tour nghỉ dưỡng sang trọng, du khách có thể bước ra, hòa mình giữa thiên nhiên và cuộc sống bản địa để trải nghiệm những điều mới mẻ.