Bền vững lộ trình nông thôn mới ở Quảng Ninh-Bài 1: Dấu ấn của lòng dân

  • 08:10, 27/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp, nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) còn khó khăn, tuy nhiên, sau 10 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, huyện Quảng Ninh đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trong quá trình triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh chủ trương tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, huyện chú trọng khơi dậy sức dân, phát huy những cách làm chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện từng cơ sở…

Khơi dậy sức dân

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Hồ Thị Hòa ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân-người đã tự nguyện hiến gần 450m2 đất xây dựng nhà văn hóa bản.

Vai trò chủ thể của người dân được phát huy trong xây dựng NTM tại Quảng Ninh.
Vai trò chủ thể của người dân được phát huy trong xây dựng NTM tại Quảng Ninh.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Hòa chia sẻ, bản Khe Dây là nơi định cư của 39 hộ dân đồng bào Vân Kiều. Với vốn văn hóa lâu đời và phong phú, các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con nơi đây.

Tuy nhiên, do chưa có nơi sinh hoạt chung, nên các buổi hội họp, sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu mượn tạm nhà dân trong bản. Năm 2016, cùng với nguồn vốn xã hội hóa từ sự đóng góp của các tổ chức, chị Hồ Thị Hòa đã tự nguyện cắt phần đất nhà mình, hiến gần 450m2 đất xây dựng nhà văn hóa. Tết Nguyên đán năm đó, nhà văn hóa bản Khe Dây được hoàn thiện và khánh thành trong sự vui mừng của bà con dân bản.

Sự mạnh dạn hiến đất xây dựng nhà văn hóa của chị Hồ Thị Hòa không chỉ góp phần giúp người dân bản Khe Dây có nơi sinh hoạt cộng đồng thuận tiện mà còn tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, với đặc thù của một địa phương miền núi, đời sống của người dân còn khó khăn, xã Trường Xuân còn nhiều hạn chế trong việc huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, phong trào hiến đất, hiến tài sản trên đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa và làm đường giao thông được bà con hưởng ứng rất nhiệt tình; trong đó, nhiều hộ là đồng bào Vân Kiều cũng đã mạnh dạn hiến hàng trăm m2 đất. Nhờ đó, đến nay, 100% đường từ UBND xã Trường Xuân về trung tâm 9 thôn, bản đã được bê tông hóa; con em các bản đồng bào dân tộc Vân Kiều được học chữ Bác Hồ; kinh tế-xã hội nhờ đó có bước phát triển ổn định.

Không chỉ riêng tại xã miền núi Trường Xuân, phong trào hiến đất, hiến tài sản trên đất đã lan tỏa rộng rãi đến từng thôn, xã trên địa bàn toàn huyện.

Theo chị Phan Thị Hoa Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ninh, bằng nhiều cách làm cụ thể, Hội LHPN xã đã gắn các tiêu chí xây dựng NTM với các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội.

Thông qua các buổi sinh hoạt, Hội LHPN xã Tân Ninh chú trọng lồng ghép việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM với các nhiệm vụ của Hội, như: vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát động hội viên phụ nữ làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, trồng cây xanh.

Bên cạnh đó, xã cũng đã tổ chức gặp mặt trưởng các dòng họ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của các bậc cao niên nhằm kêu gọi sự đóng góp của các dòng tộc trong xây dựng NTM. Việc làm này vừa tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa; vừa phát huy được tính dân chủ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự nguyện đóng góp trong nhân dân.

Nhờ đó, chỉ tính riêng các năm 2018-2019, xã Tân Ninh đã huy động được 15 tỷ đồng để xây dựng NTM; trong đó người dân đã đóng góp hơn 2,6 tỷ đồng, hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ…

Phát huy sự năng động, sáng tạo từ cơ sở

Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, ngoài việc ban hành các nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh đã phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong xây dựng NTM. Ngoài Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM cấp huyện và 14/14 Ban chỉ đạo NTM ở các xã, huyện Quảng Ninh chủ trương phát huy sự chủ động, sáng tạo của Ban phát triển thôn trong xây dựng NTM.

Theo đó, toàn huyện đã xây dựng được 108 Ban phát triển thôn. Đây chính là cầu nối, là nhân tố góp phần đưa những chủ trương, kế hoạch của tỉnh, huyện đến gần hơn với mỗi người dân.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền về NTM tại cơ sở, Ban phát triển thôn sẽ tổ chức họp dân lấy ý kiến tham gia góp ý đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, vận động nhân dân mở đường, hiến đất, hiến tài sản, đóng góp xây dựng đường giao thông; đồng thời phát huy vai trò giám sát của chính người dân trong xây dựng các công trình hạ tầng NTM.

Bằng kinh nghiệm thực tế và bằng mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm” các thành viên Ban phát triển thôn đã đến trò chuyện với các hộ gia đình, phân tích để người dân trong thôn hiểu được ích lợi của xây dựng NTM, để họ hiểu được chủ thể xây dựng NTM và người được hưởng lợi từ NTM cũng chính là nhân dân.

Nhiều Ban phát triển thôn đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả tuyên truyền được thể hiện qua từng việc làm cụ thể. Ông Hà Văn Thiêm, Trưởng Ban phát triển thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh cho biết, những năm trước đây, môi trường nông thôn tại thôn Phúc Duệ còn nhiều bất cập, hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt chưa đi vào nền nếp.

Nhà văn hóa bản Khe Dây, xã Trường Xuân được xây dựng trên diện tích đất do người dân tự nguyện hiến tặng.
Nhà văn hóa bản Khe Dây, xã Trường Xuân được xây dựng trên diện tích đất do người dân tự nguyện hiến tặng.

Để tạo hiệu ứng lan tỏa, thay đổi thói quen của người dân trong thực hiện tiêu chí số 17 (tiêu chí về môi trường) trong xây dựng NTM, trong suốt 1 năm đầu triển khai thực hiện, ông Hà Văn Thiêm đã tự tay kéo xe ba gác đến từng hộ dân, vừa thu gom rác thải, vừa trò chuyện thân tình. Dần dà, bà con thôn xóm thay đổi thói quen, hoạt động thu gom rác thải trên địa bàn thôn được thực hiện chuyên nghiệp và nền nếp, góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, xác định chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài, trong quá trình triển khai thực hiện huyện Quảng Ninh chủ trương cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện phải hết sức tích cực, quyết liệt nhưng không chủ quan, nóng vội, không chạy theo thành tích, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện.

Chính vì vậy, huyện Quảng Ninh đã tìm nhiều hướng đột phá, trong đó có việc huy động sức dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi xây dựng NTM. Trong 10 năm triển khai Chương trình, huyện Quảng Ninh đã huy động được trong nhân dân 70.578 triệu đồng; trong đó, ngoài tiền mặt và ngày công lao động, nhân dân đã hiến đất với giá trị khoảng 28.172 triệu đồng, hiến tài sản với giá trị khoảng 6.998 triệu đồng. Diện mạo nông thôn từng bước được cải thiện, đổi mới khang trang.


Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh có 7 xã đạt 19 tiêu chí, 2 xã đạt 18 tiêu chí, 1 xã đạt 17 tiêu chí, 2 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí và 1 xã đạt 5 tiêu chí.

Tổng số tiêu chí của 14 xã là 233 tiêu chí (tăng 175 tiêu chí so với năm 2010); trung bình đạt 16,64 tiêu chí/xã.

Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM là 843.926 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người 36,7 triệu đồng/người/ngày (tăng 10,7 triệu đồng/người/ngày so với năm 2015); có 12/14 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (tăng 12 xã so với năm 2010).

Thanh Hải

Kỳ 2: Bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM

tin liên quan

Đến Quảng Bình cùng du lịch trải nghiệm
Đến Quảng Bình cùng du lịch trải nghiệm

(QBĐT) - Không "đóng khung" trong những tour du lịch đã mặc định sẵn hay những những tour nghỉ dưỡng sang trọng, du khách có thể bước ra, hòa mình giữa thiên nhiên và cuộc sống bản địa để trải nghiệm những điều mới mẻ.

Ý nghĩa các hoạt động tri ân khách hàng năm 2019
Ý nghĩa các hoạt động tri ân khách hàng năm 2019

(QBĐT) - Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ điện, thời gian qua, PC Quảng Bình thường xuyên triển khai, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tri ân khách hàng.

Tăng cường các giải pháp giảm tổn thất điện năng
Tăng cường các giải pháp giảm tổn thất điện năng

(QBĐT) - Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà PC Quảng Bình luôn quan tâm thực hiện.