(QBĐT) - Để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã tích cực hỗ trợ người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Lệ Thủy có diện tích gieo trồng hàng năm khá lớn, khoảng 24.000 ha, trong đó, vụ đông-xuân gần 13.000 ha, vụ hè-thu hơn 11.000 ha. Phòng NN và PTNN huyện Lệ Thủy thường xuyên tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, triển khai các mô hình, dự án... nhằm tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt.
Về giống cây trồng, đối với giống lúa, huyện Lệ Thủy đã khuyến khích người dân giảm dần các giống lúa dài ngày, chất lượng thấp, tăng tỷ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: P6, Nếp SVN1, PC6…
![]() |
Đối với các cây trồng khác, như: đậu xanh, ngô, lạc và rau màu các loại, huyện chủ yếu cơ cấu các giống tiến bộ kỹ thuật, chất lượng cao, như: DDX208, HN88, MX4, L14, SVL1. Đồng thời, Lệ Thủy mạnh dạn đưa vào sản xuất các giống mới, như: cà chua bi đỏ Thúy Hồng, A Lan, cà chua vàng Kim Ngọc, dưa lưới Kim Long…
Bênh cạnh đó, huyện tích cực đẩy mạnh hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: máy gặt đập liên hợp, máy gieo sạ hàng và một số máy hiện đại khác; áp dụng canh tác lúa cải tiến SRI trên cây lúa; thực hiện quy trình VietGap, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, thủy canh, hữu cơ, giá thể để trồng cây và chăm sóc Israel… Nhờ đó, bà con tiết kiệm nước tưới, tạo ra sản phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là khâu then chốt, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người trồng trọt mà còn từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm mới cho người dân. Phương thức trồng trọt đang có sự dịch chuyển từ canh tác truyền thống, sang trồng trọt công nghệ cao, sản xuất hàng hoá lớn.
Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)