Nâng cao vai trò các tổ chức tín dụng trong xúc tiến đầu tư

  • 08:10, 27/10/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong bối cảnh hiện nay, để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng. Phóng viên báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tại Quảng Bình nhằm hiểu rõ hơn vai trò của các tổ chức tín dụng trong việc góp phần xúc tiến và “giữ chân” nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Quảng Bình.

Lễ trao thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh diễn ra vào tháng 8 năm 2018.
Lễ trao thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh diễn ra vào tháng 8 năm 2018.

P.V: Thưa ông, Quảng Bình hiện đang được xem là “điếm đến” hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc các doanh nghiệp đã lựa chọn đến đầu tư tại tỉnh ta?

Ông Đinh Quang Hiếu: Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, từ du lịch sinh thái, công nghiệp năng lượng đến nông nghiệp công nghệ cao…

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát quỹ đất để quy hoạch xây dựng, đồng thời, ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020. Hiện, tỉnh ta đang tập trung kêu gọi 48 dự án với quy mô diện tích dự kiến 8.000ha, nguồn vốn kêu gọi 50.000 tỷ đồng.

Có thể nói, việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư tại Quảng Bình sẽ góp phần giúp tỉnh nhà khẳng định được vị trí, lợi thế về tiềm năng kinh tế mà tỉnh đang có, từ đó, thúc đẩy diện mạo xã hội và động lực kinh tế vươn cao trong những năm tiếp theo.

P.V: Với vai trò của mình, các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ trong việc “đồng hành” cùng với tỉnh nhà thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của hoạt động xúc tiến đầu tư. Vậy theo ông, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có những động thái gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư trên địa bàn tỉnh?

Ông Đinh Quang Hiếu: Thực tế, nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã luôn “sát cánh” hỗ trợ cho hàng nghìn doanh nghiệp, dự án lớn nhỏ… có nguồn vốn để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào hồi tháng 8-2018 vừa qua, NHNN Chi nhánh Quảng Bình đã có báo cáo sơ bộ về tiến độ thực hiện các cam kết thỏa thuận đầu tư tín dụng đối với 11 dự án...

Trong đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin hỗ trợ vốn tín dụng từ Vietcombank Việt Nam với số tiền trên 27.000 tỷ đồng; Dự án khách sạn 5 sao Pullman do Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội-Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn vay dự kiến là 650 tỷ đồng (đã ký hợp đồng và chuẩn bị giải ngân); Nhà máy điện gió Bãi Dinh do Công ty Cổ phần Tân Hoàng Cầu đầu tư đang cần số vốn vay 1.300 tỷ đồng; Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa Đảo Yến thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư sẽ được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Quảng Bình giải ngân cho vay với số tiền 607 tỷ đồng; Resort Sơn Hải do Công ty NHNN Tập đoàn Sơn Hải đầu tư với số vốn cơ bản là 1.600 tỷ…

Ngoài ra, trong 9 tháng năm 2018, hệ thống ngân hàng và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho 649 doanh nghiệp dưới nhiều hình thức với nguồn vốn cho vay mới đạt 3.870 tỷ đồng; mức lãi suất cho vay mới phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8%-10%/năm đối với các khoảng vay trung hạn và dài hạn.

P.V: Được biết, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trong thời gian tới, để góp phần tích cực trong việc xúc tiến đầu tư cho Quảng Bình, các tổ chức tín dụng đã có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp?

Ông Đinh Quang Hiếu: Có thể khẳng định một điều rằng, hệ thống ngân hàng được xem là một trong những mắt xích “cứng” trong xúc tiến đầu tư tại tỉnh Quảng Bình. Đối tượng hỗ trợ tín dụng đầu tư cần tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề theo ưu tiên của Chính phủ trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Mặt nữa, tín dụng đầu tư cần tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường. Nhà nước sẽ hỗ trợ tín dụng thông qua lãi suất cho vay và đối tượng vay vốn. Mức độ hỗ trợ đầu tư của Nhà nước phải bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cho chủ đầu tư các dự án có được tỷ lệ tích lũy hợp lý và người dân phải được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Ngoài việc quy định về mức vốn hỗ trợ đối với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, việc hỗ trợ về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay và các điều kiện nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Mức chênh lệch và tính ổn định lãi suất sẽ là động cơ hoạt động và là nguồn lực tiết kiệm của chủ đầu tư so với việc huy động các nguồn vốn vay thương mại khác.

Do một số đối tượng hỗ trợ tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực và dự án ở vùng, miền khó khăn, hiệu quả không cao, không thu hút được các nguồn vốn thương mại cũng như các nhà đầu tư, vì thế chính sách ưu đãi thông qua tín dụng đầu tư của Nhà nước cần kịp thời, ổn định về lãi suất, thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm...

Tuy nhiên, để tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đạt được hiệu quả cao trong việc điều tiết nền kinh tế phát triển theo hướng ổn định, bền vững, các tổ chức tín dụng cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tập trung các nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần bố trí cơ cấu tín dụng hợp lý phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp, hạ tầng kinh tế, môi trường, an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển.

Có thể nói, một nền kinh tế tăng trưởng năng động không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững nếu không có “bàn tay hữu hình” hiệu quả của Nhà nước nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, tạo đà, mang tính quyết định đến định hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung.

P.V: Xin cám ơn ông về những chia sẻ ý nghĩa này!

Hiền Phương (thực hiện)

 

tin liên quan

Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường
Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Ninh luôn chú trọng thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Bảo đảm phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản
Bảo đảm phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

(QBĐT) - Với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, thời gian qua, tỉnh ta đã khai thác và phát huy hiệu quả trong việc đầu tư, phát triển ngành công nghiệp khai thác-chế biến khoáng sản, tạo cơ sở hình thành chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vục này.

Đồng hành cùng doanh nghiệp đào tạo lao động nghề may
Đồng hành cùng doanh nghiệp đào tạo lao động nghề may

(QBĐT) - Những năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những hoạt động mang lại nhiều hiệu quả là chương trình đào tạo nghề may công nghiệp.