(QBĐT) - Giảm nghèo bền vững được xác định là một trong hai chương kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sau hai năm thực hiện Chương trình hành động số 05 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Đây là những lực cản mà nếu không có sự quyết liệt và các các giải pháp đồng bộ, mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ vẫn xa vời!
Tại hội nghị sơ kết Chương trình hành động số 05 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến của các đại biểu thống nhất với việc một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo bởi những quyền lợi thiết thực dành cho hộ nghèo. Không chỉ dừng lại ở việc người dân không muốn thoát nghèo, thậm chí nhiều địa phương vẫn mong muốn được làm… xã nghèo nhằm hưởng các chính sách ưu đãi.
![]() |
Không muốn thoát nghèo
Cùng với những con số đáng mừng, như: tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 2,24% (đạt 112,4%); tỷ lệ giảm nghèo của các xã nghèo bình quân mỗi năm 6,69% (đạt 167,2%)…, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh ta vẫn ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 7.741 hộ, chiếm 33,34% (tỷ lệ cả nước là 16,67%).
Sau hơn hai năm triển khai, có 841 hộ tái nghèo, 3.615 hộ phát sinh nghèo, 3.517 hộ tái cận nghèo và 11.935 hộ phát sinh cận nghèo. Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong công tác giảm nghèo. Những con số đáng báo động này đòi hỏi chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, kịp thời có những giải pháp đồng bộ để bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, lực cản lớn nhất trên hành trình giảm nghèo bền vững là tâm lý “không muốn thoát nghèo” của một bộ phận người dân. Với những chính sách ưu đãi, đặc biệt là các chính sách trực tiếp, như: hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, tín dụng ưu đãi, lương thực…, đã và đang khiến người nghèo yên tâm thụ hưởng thay vì nỗ lực để thoát nghèo.
Những quyền lợi này đã và đang làm nảy sinh cơ chế “xin-cho” hộ nghèo. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở, vẫn còn tư tưởng nể nang, ưu tiên dòng họ để “cho” tiêu chuẩn hộ nghèo. Nhiều người phổ biến cho nhau cách để “đạt chuẩn’ hộ nghèo, như: ghép khẩu, tách hộ, thậm chí là sinh thêm con để tăng nhân khẩu trong gia đình.
Điều này không chỉ diễn ra trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa phương kinh tế khó khăn, dân trí thấp, mà ngay ở các địa phương có nền kinh tế ổn định, dân trí đồng đều, người dân vẫn muốn “chạy” hộ nghèo.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình “chạy” hộ nghèo, một số cán bộ, đảng viên còn tiếp tay cho hành động này. Mới đây, Thanh tra huyện Bố Trạch đã phát hiện trong các năm từ 2011-2013, tại xã Hoàn Trạch có 153 khẩu không nghèo được ghép vào hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Điều đáng nói là trong số này có nhiều trường hợp là người thân, bà con của lãnh đạo, cán bộ thôn và cán bộ UBND xã. Những hành động này không chỉ ảnh hưởng đến công bằng xã hội và các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, những người lẽ ra phải đi đầu, nêu gương lại trở thành người vi phạm, khiến cho công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn hơn.
Cũng như việc người dân thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi, các xã nghèo cũng nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện, nên cấp uỷ, chính quyền một số địa phương vẫn muốn “được làm xã nghèo”, chưa tự giác và quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp để giảm nghèo bền vững.
Nên đâu đó đã có những tiếng thở phào nhẹ nhõm khi địa phương mình “được” nằm trong danh sách xã nghèo. Đây là lực cản vô cùng lớn và không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.
Bất cập trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Với tâm lý “thích làm thầy” thay vì làm thợ, công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn khi số lượng tuyển sinh hạn chế, lao động chưa “mặn mà” với việc học nghề. Ở các vùng nông thôn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm nhưng vẫn “kiên định” đợi chờ cơ hội “làm thầy”, thậm chí bỏ ra những số tiền lớn để “chạy” việc thay vì học nghề và lựa chọn các cơ hội sẵn có.
![]() |
Một bộ phận người lao động đã tham gia đào tạo nghề và có việc làm nhưng lại thiếu tính bền vững, thu nhập không ổn định. Nguyên nhân là do việc gắn kết giữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sản xuất, xây dựng nông thôn mới chưa chặt chẽ.
Một số nơi công tác dạy nghề còn mang tính hình thức, chưa chú trọng chất lượng đào tạo. Quá trình điều tra, khảo sát và lập kế hoạch đào tạo chưa sát thực, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí bố trí cho công tác đào tạo nghề còn hạn chế, nhận thức của người lao động chưa đầy đủ, thiếu chủ động, tích cực tham gia học nghề, vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước nên chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế. Và có một thức tế nữa là trong khi nhiều lao động thiếu việc làm, nhưng một số doanh nghiệp trên địa bàn vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng bởi người lao động chưa “mặn mà” tham gia.
Những nguyên nhân này đã dẫn đến việc số lượng lao động qua đào tạo dù cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, người lao động dù có việc làm nhưng vẫn thiếu tính bền vững, trở thành lực cản trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Cùng với những lực cản nói trên, định mức vay vốn tín dụng ưu đãi thấp; người lao động thiếu mạnh dạn trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; việc triển khai các dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thiếu quyết liệt, chủ động; trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên đào tạo nghề còn hạn chế… cũng là những lực cản cần sự chung tay của các cấp, ngành chức năng để cùng giải bài toán giảm nghèo bền vững.
Ngọc Mai
Bài 2: Lời giải cho “bài toán” giảm nghèo bền vững