Chinh phục đồi hoang

  • 08:09, 05/09/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Rời quân ngũ, cựu chiến binh Phan Viết Quý ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) đã chọn một vùng đất hoang ngay trên quê hương mình để phát triển kinh tế. Sau một thời gian chinh phục vùng đất hoang hóa, anh đã thu được những mùa “quả ngọt” khi trang trại chăn nuôi tổng hợp đã cho thu lãi mỗi năm trên 500 triệu đồng.

Năm 1982, anh Phan Viết Quý lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Gần 7 năm gắn bó trong quân đội, anh đã được tôi luyện ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn.

Khi rời quân ngũ, anh Quý đã làm nghề lái xe, buôn bán và nhiều nghề vất vả, cực nhọc khác nhưng vẫn không đủ tiền để trang trải cuộc sống. Không chịu khuất phục đói nghèo, anh quyết định trở về quê hương làm trang trại.

Nhờ nuôi gà, mỗi năm, gia đình anh Phan Viết Quý thu lãi ròng gần 100 triệu đồng.
Nhờ nuôi gà, mỗi năm, gia đình anh Phan Viết Quý thu lãi ròng gần 100 triệu đồng.

Năm 2001, nhiều nơi ở xã Thái Thủy còn rất hoang vu, rậm rạp. Để xây dựng trang trại, anh đã đi khắp nơi trong xã để tìm đất khai hoang. Khi đến đồi Trạng Tây, nhận thấy vùng đất này khá bằng phẳng, có đập Thanh Sơn kế bên, anh quyết định lựa chọn nơi đây để phát triển chăn nuôi cá, trồng lúa và trồng rừng. Được sự đồng thuận của vợ, anh quyết định khai hoang 2,7ha đất.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu, anh chọn những vùng trũng để trồng lúa, nơi nào cao ráo thì nuôi gà và trồng cây ăn quả. Qua 4 năm chinh phục đồi hoang bằng sức lao động cùng những công cụ thô sơ, trang trại của anh đã dần hình thành.

Sau đó, anh Quý bắt đầu chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá. Đến nay, trang trại anh có trên 1ha diện tích mặt nước ao nuôi cá trắm, cá chép, cá rô phi. Anh tâm sự: “Nuôi cá có lãi hơn trồng lúa nhiều lần, lại đỡ vất vả hơn. Cũng nhờ nuôi cá nên tôi đã làm được nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đàng hoàng”. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường từ 3 đến 4 tấn cá các loại, thu nhập đạt từ 300 đến 400 triệu đồng.

Trang trại anh còn dành khoảng 2 sào đất để trồng cỏ cho cá ăn và hơn 1 sào để nuôi gà. Trung bình mỗi năm, anh nuôi khoảng 3 lứa gà, mỗi lứa trên 1.000 con, lãi ròng gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi lợn thịt. Mặc dù giá lợn có lúc bấp bênh nhưng có năm anh vẫn thu lãi 200 triệu đồng. Trong thời gian này, anh còn đầu tư trồng 10ha rừng keo lai và bán được 3 lứa, trong đó, lứa keo gần đây nhất anh đã lãi 300 triệu đồng.

Năm 2018, anh Quý vào miền Tây để học nuôi cá lóc. Sau đó, anh cải tạo khoảng 1.500m2 diện tích mặt nước ao nuôi cá bằng cách xây hàng rào, lưới chắn xung quanh và mua 10 vạn con giống về nuôi. Sau hơn 6 tháng nuôi, đàn cá lóc của anh lớn rất nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào, nước được thay thường xuyên.

Đến nay, đàn cá của anh đã xuất bán được 7,5 tấn và thu về trên 350 triệu đồng. Anh Qúy cho biết: “Nuôi cá lóc lãi khoảng gấp 3 lần nuôi cá trắm. Kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, cá ít mắc bệnh lại được thương lái đến tận ao để mua nên tôi rất yên tâm về đầu ra”.

Theo tính toán của anh, cá lóc mỗi năm nuôi 1 lứa, thời gian nuôi khoảng từ 7 đến 8 tháng nhưng lại cho hiệu quả thu nhập cao. Nếu số cá xuất bán hết, anh sẽ thu lãi đạt trên 500 triệu đồng.

Thành công của người lính Phan Viết Qúy trong việc chinh phục đồi hoang đã góp phần đánh thức tiềm năng vùng đồi phía Tây huyện Lệ Thủy. Qua đó, anh đã chứng minh rằng, với ý chí, nghị lực thì đất có hoang vu, sỏi đá, cũng sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc.

Việt Hà

 

tin liên quan

Quảng Trạch: Năng suất lúa hè-thu ước đạt 52,5 tạ/ha
Quảng Trạch: Năng suất lúa hè-thu ước đạt 52,5 tạ/ha

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2018, huyện Quảng Trạch gieo sạ 3.400 ha lúa với các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, như: Khang dân 18, DV108, IR504-04, HT1, PC6 và một số giống lúa tiến bộ kỹ thuật khác.

Giá trị của kinh tế biển ở Việt Nam mới đạt khoảng 80 tỷ đồng/km
Giá trị của kinh tế biển ở Việt Nam mới đạt khoảng 80 tỷ đồng/km

"Chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển chia cho chiều dài bờ biển của Việt Nam hiện mới chỉ ước đạt khoảng 3,6 triệu USD/km (tương đương khoảng hơn 80 tỷ đồng/km) so với mức bình quân của thế giới đạt khoảng 4 triệu USD/km bờ biển."

VASEP: Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay
VASEP: Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện xuất khẩu tôm và hải sản của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm, chỉ cá tra có mức tăng trưởng xuất khẩu ở chiều hướng tích cực.