(QBĐT) - Thời gian qua, Trạm khuyến nông huyện Quảng Trạch đã tích cực mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nâng cao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân, đồng thời triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mô hình được Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch lựa chọn để triển khai trình diễn, ngoài yếu tố cây giống, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, còn dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng áp dụng trong thực tế.
Chính vì vậy, Trạm đã tiến hành khảo sát và lựa chọn nhiều mô hình trình diễn phù hợp với tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch, tổ chức cho bà con tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến và hướng dẫn những kỹ thuật mới.
Thông qua các mô hình trình diễn, người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận, tập huấn các phương thức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình có mô hình nuôi gà ri lai thả vườn được triển khai ở xã Quảng Phương và xã Quảng Phú.
Mục tiêu là để thay thế giống gà có chất lượng cao hơn giống gà hiện tại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn, đồng thời ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà phù hợp theo hướng phát triển bền vững.
Mô hình chăn nuôi gà ri lai thả vườn được Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch triển khai trong năm 2017, với 2.100 con gà giống được cấp cho hộ gia đình anh Trần Đình Hải, thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương và hộ gia đình ông Phạm Xuân Thơm, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú.
Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân theo tỷ lệ 50% con giống, 30% thức ăn và 100% kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 4 tháng chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ gà sống đều đạt trên 95%, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,3 đến 1,5 kg, sau khi xuất bán, mỗi hộ đã thu lãi từ 15 đến 17 triệu đồng. Việc triển khai mô hình bước đầu giúp người dân thay đổi nhận thức và phương thức chăn nuôi theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư sang chăn nuôi bán công nghiệp cho hiệu quả cao.
Cùng với việc triển khai mô hình chăn nuôi gà ri lai thả vườn, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch còn triển khai mô hình nuôi vịt biển tại 3 xã Quảng Thanh, Quảng Xuân, Cảnh Dương, được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 1.500 con giống. Sau gần 3 tháng nuôi thả, mỗi con vịt đã đạt trọng lượng từ 2,5-3 kg, sau khi xuất bán, trừ mọi chi phí, mỗi hộ đã thu lãi từ 10 đến 12 triệu đồng.
Hay như phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trên địa bàn huyện.
Xác định phát triển chăn nuôi bò là tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tích cực cử cán bộ kỹ thuật về tận các hộ chăn nuôi kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật.
Đến nay, 16/18 xã trên địa bàn huyện đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn bò, với tổng số bò được phối giống bằng phương pháp này ước tính đạt hơn 2.300 con, số bò cái có chửa ước tính đạt hơn 1.800 con, đạt hơn 81% so với kế hoạch.
Bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, các con bò lai đã được ra đời với tốc độ sinh trưởng nhanh, tầm vóc được cải thiện, tăng khả năng sinh sản, đặc biệt xây dựng được đàn bò cái lai để dùng lai tạo các giống bò chuyên cung cấp thịt chất lượng cao, số bê lai sau khi sinh đều có trọng lượng đạt từ 20-25kg/con và nuôi nhanh lớn hơn bê cỏ.
Bên cạnh các mô hình chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện còn triển khai nhiều mô hình trồng trọt giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất một cách có hiệu quả, tăng thu nhập. Điển hình có mô hình lúa Thiên Ưu 8, được triển khai tại xã Quảng Tùng, kết quả năng suất đạt 60 tạ/ha, đây là giống lúa có khả năng vượt trội, cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với các giống lúa của vùng sản xuất.
Thông qua các mô hình, hoạt động của Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch đã giúp cho người dân trên địa bàn huyện thay đổi được tập quán sản xuất truyền thống, mở ra nhiều cơ hội để bà con được tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi mới, mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao.
Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Trạch tiếp tục tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, địa phương chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực theo dõi và chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình có hiệu quả; đồng thời nghiên cứu và thử nghiệm thêm các đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Hà Ny
(Đài TT-TH Quảng Trạch)