Chú trọng phát triển kinh tế toàn diện

  • 08:01, 23/01/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Mặc dù 2 năm qua, các đợt bão, lũ liên tiếp quét qua để lại hậu quả nặng nề, nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã cố gắng vượt khó, nỗ lực khắc phục, tái thiết. Nhờ đó, kinh tế- xã hội vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển toàn diện, tạo động lực để xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2018.

 

Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng mới góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp của xã Vạn Ninh.
Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng mới góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp của xã Vạn Ninh.

Xã Vạn Ninh có 1.800 hộ với trên 8.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn. Năm 2016, 3 thôn Áng Sơn, Phúc Sơn và Xuân Sơn dọc đường Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ quét qua; tổng thiệt hại toàn xã ước tính trên 17 tỷ đồng. Năm 2017, ngoài ảnh hưởng nặng vì lụt bão, người dân Vạn Ninh còn bị tác động lớn do giá cả gia súc, gia cầm giảm sút, nông sản thiếu thị trường tiêu thụ. 

Trước tình hình khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo, động viên bà con chủ động khắc phục dần hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Từ sự giúp đỡ của các cấp, sự chung tay của cộng đồng xã hội, Vạn Ninh nhận được nhiều sự hỗ trợ kịp thời góp phần để Đảng bộ và nhân dân toàn xã nỗ lực vươn lên.

Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, Vạn Ninh tiếp tục phấn đấu đưa ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển toàn diện, bền vững.

Trong đó, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí giống cây trồng theo hướng cơ cấu giống lúa trung bình là chủ yếu và một số ít diện tích lúa ngắn ngày chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, chất đất trên địa bàn.

Đặc biệt, xã tiếp tục chỉ đạo bà con chuyển dịch mùa vụ nhằm chủ động né tránh thiên tai, chuột hại; vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nuôi trồng để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; lựa chọn giống vật nuôi hợp lý để tăng giá trị thu nhập trong khoảng thời gian nhất định; giảm thiểu chi phí thiệt hại không đáng có.

Bên cạnh đó, Vạn Ninh còn động viên bà con phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Các hợp tác xã trên địa bàn cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện kinh tế hộ phát triển.

Năm 2017, Vạn Ninh đạt được những kết quả khá toàn diện. Đã có bước đột phá trong thu ngân sách với trên 4,1 tỷ đồng, đạt 161% kế hoạch huyện giao. Trong năm, toàn xã có tổng diện tích cây ngắn ngày gieo trồng cả năm vượt kế hoạch đề ra, đạt 107,4%, trong đó, lúa, ngô đều có năng suất khá; tổng sản lượng lương thực năm 2017 gần 6.400 tấn, đạt 102%. Ngoài ra, các loại, cây trồng khác, như: khoai, lạc, sắn, đậu, bầu, bí và rau các loại cũng cho nguồn thu đáng kể.

Mặc dù giá cả gia súc, gia cầm trên thị trường xuống thấp, quy mô và số lượng tổng đàn có giảm nhưng người dân chú trọng ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào nhân giống, chăm sóc phòng, chống dịch bệnh nên tăng được giá trị tổng đàn xuất chuồng. Toàn xã có 6 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 16 gia trại chăn nuôi gia cầm, 190 gia trại chăn nuôi lợn, mô hình nuôi bò nhốt chuồng bước đầu ổn định... Trong năm, tổng sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng toàn xã gần 4.000 tấn, tăng 62,5% so với cùng kỳ.

Vạn Ninh còn chú trọng nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt trên diện tích ao hồ 45,7 ha. Bà con biết đầu tư con giống, thức ăn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên năng suất đạt 25 tạ/ha, sản lượng nuôi trồng đạt trên 114 tấn, đánh bắt tự nhiên đạt 252 tấn. Xã còn khuyến khích người dân phát triển ngành nghề nông thôn, tiểu thu công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Vì vậy, sản xuất tiểu thu công nghiệp trên địa bàn xã có bước chuyển dịch mạnh. Toàn xã có 166 cơ sở, điểm sản xuất, tập trung vào các ngành nghề, như: vật liệu xây dựng, cơ khí, mộc dân dụng, mỹ nghệ, may mặc, chế biến lương thực..., giải quyết việc làm thường xuyên cho 253 lao động; tổng thu nhập trên 26 tỷ đồng, tăng gần 200% so với năm 2016. Nhiều hộ gia đình đầu tư mua sắm phương tiện ô tô, máy cày, máy gặt đập phục vụ kinh doanh, dịch vụ.

Tận dụng tiềm năng lợi thế về đất đai, nhiều trang trại, gia trại ở Vạn Ninh phát huy được hiệu quả từ mô hình vườn-ao-chuồng.
Tận dụng tiềm năng lợi thế về đất đai, nhiều trang trại, gia trại ở Vạn Ninh phát huy được hiệu quả từ mô hình vườn-ao-chuồng.

Toàn xã có 310 hộ tổ chức kinh doanh, dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 347 lao động; trong đó, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng trưởng nhanh góp phần tạo ra giá trị thu nhập trên 84 tỷ đồng, đạt 155,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trang trại vùng gò đồi, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, như: cao su, tiêu, keo lai, tre siêu măng; kết hợp chặt chẽ giữa vườn đồi, vườn rừng để vừa phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng rừng kinh tế và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế khá cao trên cùng đơn vị diện tích. Đời sống của người dân Vạn Ninh nhờ đó ổn định hơn từng ngày với mức bình quân thu nhập năm 2017 gần 30 triệu đồng/người, tăng 22% so với kế hoạch.

Về những định hướng sắp tới, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Lương chia sẻ: "Phát huy kết quả đạt được, Vạn Ninh sẽ tiếp tục tận dụng tiềm năng thế mạnh sẵn có, nhân rộng một số mô hình sản xuất, nuôi trồng có hiệu quả, nhằm phát triển kinh tế toàn diện, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, từ đó, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn xã ngày càng khá hơn, tạo động lực để Vạn Ninh phấn đấu đạt 19 tiêu chí và về đích trong xây dựng nông thôn mới".

Hương Trà


 

tin liên quan

Năng lượng tái tạo tăng tính cạnh tranh với năng lượng hóa thạch
Năng lượng tái tạo tăng tính cạnh tranh với năng lượng hóa thạch

Chi phí sản xuất điện gió trên đất liền đã giảm 23% trong giai đoạn 2010-2017, trong khi chi phí sản xuất quang điện giảm tới 73%. Hai loại hình năng lượng tái tạo này, cùng với điện sinh khối, địa nhiệt…, đang sản xuất điện năng với chi phí đủ sức cạnh tranh, thậm chí thấp hơn năng lượng hóa thạch.

Thị xã Ba Đồn: Cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông-xuân 2017-2018
Thị xã Ba Đồn: Cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông-xuân 2017-2018

(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, vụ đông-xuân 2017-2018, bà con nông dân trên địa bàn gieo cấy 2.700ha lúa, trong đó lúa gieo 2.500ha và lúa cấy 200ha.

Giữ ấm ngọn lửa đúc rèn
Giữ ấm ngọn lửa đúc rèn

(QBĐT) - Trong khi nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một, làng nghề Mai Hồng, thôn 8, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) ngày đêm vẫn giữ ấm ngọn lửa đúc rèn, phát triển ổn định, tạo dựng được thương hiệu trong cơ chế thị trường.