Điểm sáng "Dân vận khéo" trong chuyển đổi số

  • 07:06, 06/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT)-Hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), Điện lực Lệ Thủy (ĐLLT) đã đẩy mạnh công tác dân vận trong CĐS nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và doanh thu, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tăng cường sự hài lòng cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn...

ĐLLT hiện được giao trực tiếp quản lý, vận hành lưới điện từ 22kV trở xuống và cấp điện đến tận hộ dùng điện trên địa bàn 25/26 xã, thị trấn của huyện Lệ Thủy (trừ xã Hồng Thủy).

Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, kể từ năm 2021 đến nay, ĐLLT đã sớm triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo (DVK) trong CĐS nhằm đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Xác định phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh CĐS gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp là "chìa khóa" quyết định sự thành công của doanh nghiệp, ĐLLT đã triển khai nhiều giải pháp để khơi dậy, phát huy tiềm năng, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn đơn vị, góp phần xây dựng huyện Lệ Thủy ngày càng phát triển bền vững.

Nhân viên Điện lực Lệ Thủy hướng dẫn khách hàng thực hiện cài đặt app và thực hiện chuyển đổi số.
Nhân viên Điện lực Lệ Thủy hướng dẫn khách hàng thực hiện cài đặt app và thực hiện chuyển đổi số.

Nhờ sớm xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, ĐLLT đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác điều hành lưới điện và kinh doanh dịch vụ khách hàng. Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành công tác số hóa dữ liệu và xây dựng thành công kho dữ liệu tập trung; liên kết toàn bộ dữ liệu số các mảng kỹ thuật vận hành, kinh doanh dịch vụ, tài chính kế toán, quản trị doanh nghiệp.

Giám đốc ĐLLT Phạm Ngọc Hoài cho biết: Trong công tác kinh doanh dịch vụ, đơn vị đã áp dụng nhiều app nghiệp vụ, giao tiếp khách hàng và được sử dụng trên mạng xã hội, zalo, facebook, web…, nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ điện. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác như: Đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, đào tạo, tuyên truyền..., cũng được đơn vị hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay, ĐLLT đang trong giai đoạn cuối của lộ trình CĐS theo sự chỉ đạo chung từ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Bình, dự kiến hết năm 2025 sẽ hoàn thành, đưa đơn vị trở thành doanh nghiệp số.
 
Bà Nguyễn Thị Diệu Hoàn, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần xảy ra sự cố về điện, tôi phải báo cho nhân viên ngành Điện rồi chờ người đến sửa, rất bất tiện, tốn kém thời gian, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gia đình. Bây giờ, chỉ cần nhắn thông tin qua app hoặc zalo là được phản hồi ngay, công nhân điện đến xử lý sự cố rất nhanh và chu đáo. Tiện lợi hơn, trước đây gia đình tôi phải ra hội trường thôn để nộp tiền điện thì bây giờ nộp qua tài khoản ngân hàng cá nhân, rất thuận tiện, nhanh chóng và chính xác...".
 
"CĐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Ngoài ra, CĐS còn nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, tạo ra một xã hội/tập thể văn minh và rút ngắn cả về không gian lẫn thời gian khi thực hiện nhiệm vụ. Do đó, trong thời gian tới, ĐLLT sẽ tiếp tục lãnh đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CĐS, áp dụng CĐS mạnh mẽ hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn", Giám đốc ĐLLT chia sẻ.

Nhờ nỗ lực DVK trong CĐS, đến nay, ĐLLT đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, như: Tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%; tiếp nhận các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử và cấp độ 4, đạt 100%; tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; gần 37.000 khách hàng cài đặt app chăm sóc khách hàng, đạt 80% số khách hàng toàn đơn vị. Đơn vị cũng đã hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử cho 100% khách hàng từ năm 2023. Nhờ đó, việc ghi chỉ số công tơ hiện được được thực hiện hoàn toàn tự động. Hiện, ĐLLT đang đẩy mạnh phát triển hệ thống thông báo chăm sóc khách hàng; hỗ trợ khách hàng theo dõi tình hình sử dụng điện hàng ngày; theo dõi được tiến độ xử lý các yêu cầu dịch vụ điện và được cảnh báo khi có bất thường trong sử dụng điện...

Từ những kết quả đạt được ở mô hình DVK trong CĐS đã giúp ĐLLT từng bước hiện thực hóa mục tiêu quản lý và vận hành lưới điện ngày càng thông minh, hiện đại. Việc quản lý hồ sơ thiết bị lưới điện, tối ưu vận hành, thao tác các thiết bị trên lưới điện... tại ĐLLT đến nay cơ bản được số hóa, hoàn toàn tự động từ xa (từ trung tâm điều khiển), giúp thời gian mất điện được rút ngắn tối đa và vùng mất điện được thu hẹp nhất có thể. Hiện nay, đơn vị đã triển khai ứng dụng kiểm tra hiện trường cho lưới điện trung và hạ thế; hoàn thành triển khai phương pháp sửa chữa theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị CBM/RCM đối với 100% thiết bị trên lưới điện.
V.Minh

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh
Kế hoạch thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 839/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 1/4/2025 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 206-KH/TU, ngày 21/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bảo vệ đại dương bằng công nghệ, tri thức và lòng yêu biển
Bảo vệ đại dương bằng công nghệ, tri thức và lòng yêu biển

(QBĐT) - Nhân dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 (từ ngày 1-8/6) và Ngày Đại dương thế giới 8/6, phóng viên Báo và Đài PT-TH Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường để hiểu rõ hơn về các hoạt động thiết thực đã và đang triển khai nhằm bảo vệ môi trường biển, phát huy tiềm năng tài nguyên hải đảo gắn với phát triển kinh tế biển bền vững của tỉnh.

Tính toán kỹ khi đưa AI vào quản lý công
Tính toán kỹ khi đưa AI vào quản lý công

(QBĐT) - Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại nhiều cơ hội đột phá trong quản lý nhà nước, giúp cải thiện quy trình quản lý, giảm thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực tài chính công.