Minh Hóa chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
07:02, 06/02/2025
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Minh Hóa đã chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ (KH-CN) vào thực tiễn sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao và đạt được kết quả khả quan. Qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương cho biết, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế ứng dụng KH-CN đạt hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời cải tiến, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh, giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
Đến nay, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp có tính ứng dụng cao đã phát huy hiệu quả, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn huyện...
Mô hình nhân giống keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom thành công tại Minh Hóa.
Trong đó, nhiệm vụ KH-CN đưa phân bón nano ĐH’93 vào sản xuất lúa đã hoàn thiện xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa Hương Bình sử dụng phân nano ĐH’93 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện Minh Hóa. Từ việc sử dụng phân bón nano ĐH’93 góp phần giảm thiểu lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật giúp tạo ra các sản phẩm lúa, gạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng; nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa và mang lại nguồn thu tốt, ổn định thu nhập cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện, một số mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất đang duy trì, phát triển mạnh và hướng về các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như mô hình ươm giống cây keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom, phục vụ công tác đào tạo nghề cho bà con dân tộc thiểu số.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa Đinh Ngọc Sỹ cho hay: Từ quy mô vườn ươm 1.200m2, cán bộ trung tâm đã tổ chức sản xuất được trên 296.000 cây keo lai BV16 giống. Việc nhân giống keo lai bằng phương pháp giâm hom phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận thu được khoảng 5,5 triệu đồng/1 vạn cây giống, làm đa dạng hóa cây trồng, ngành nghề ở địa phương và hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nhân giống cũng như chăm sóc cây giống keo bằng phương pháp giâm hom. Thành công của mô hình còn nhân rộng ứng dụng ra các hộ gia đình trên địa bàn.
“Thời gian tới, huyện Minh Hóa sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; chú trọng đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ và đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, huyện cần sự phối hợp của bà con nông dân trong mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường hiện nay”, ông Đinh Minh Hương trao đổi thêm.
“Được tập huấn, đào tạo nghề tại mô hình, gia đình tôi đã xây dựng vườn ươm giâm hom cây con keo lai BV16 với diện tích 5.000m2; ước tính mỗi năm xuất bán ra thị trường tiêu thụ với 200.000 cây giống keo lai BV16 bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu được tạo điều kiện về nguồn vốn để đầu tư, gia đình tôi sẽ mở rộng sản xuất, bảo đảm việc cung ứng cây giống tốt cho việc trồng rừng của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định”, ông Đinh Hữu Hiệu, thôn Văn Hóa, xã Hồng Hóa (Minh Hóa) chia sẻ.
Theo ông Đinh Minh Hương, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân nên việc ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Minh Hóa còn gặp một số khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, số hộ dân ứng dụng KH-CN vào sản xuất chưa nhiều do thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên việc áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng còn hạn chế.
Để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KH-CN, huyện mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành chuyên môn; đồng thời, sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn hơn nữa trong việc ứng dụng KH-CN, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
(QBĐT) - Chiều 6/2, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là một trong những sinh cảnh đa dạng và phong phú cả về thành phần loài và số lượng cá thể của các loài chim. Nơi đây, hiện hữu nhiều loài chim quý hiếm, đặc hữu, có tầm quan trọng bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN.
(QBĐT) - Chiều 22/1, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức phiên họp trực tuyến với các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố đánh giá kết quả hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.