(QBĐT) - Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh CĐS trong các hoạt động của ngành nhằm tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nâng cao nhận thức
Thời gian qua, ngành Công thương tập trung chỉ đạo thực hiện công tác CĐS, phát triển kinh tế số và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; được Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong công tác CĐS.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải cho biết, nhờ triển khai thực hiện tốt công tác CĐS đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành đồng thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp áp dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh.
Xác định dữ liệu là tài nguyên quốc gia, là nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số, Sở Công thương tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của dữ liệu số.
Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành về CĐS, dữ liệu số quốc gia, thương mại điện tử…; hướng dẫn sử dụng và khai thác các dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm chuyên dụng của ngành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Quảng Bình thực hiện chuyên mục “Công thương” hàng tháng tuyên truyền về các hoạt động của ngành, trong đó có nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành, đến nay, 100% cán bộ, công chức của Sở Công thương được trang bị máy tính kết nối mạng tốc độ cao và thiết bị ký số chuyên dùng cho công tác xử lý hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử; 100% máy tính đơn vị được cài đặt phần mềm diệt vi rút và phòng, chống mã độc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin.
Việc triển khai áp dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh, như: Quản lý văn bản và điều hành; quản lý nhiệm vụ UBND tỉnh giao; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; ISO điện tử; một cửa điện tử; quản lý ngân sách tài chính; xử lý vi phạm hành chính; báo cáo thống kê; phản ánh hiện trường... được thực hiện bảo đảm đúng quy định, phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt công tác chuyên môn của ngành.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Có thể nói, công tác CĐS đã được Sở Công thương triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động XTTM giai đoạn 2022-2030 tỉnh Quảng Bình” và triển khai thực hiện theo đúng quy định và kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025.
Cùng với việc triển khai các phần mềm được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên ngành xây dựng và cung cấp, sở đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm giải pháp phát triển hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện, Sở Công thương đang quản lý, vận hành hiệu quả Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình có địa chỉ tên miền tại http://quangbinhtrade.vn. Sàn giao dịch TMĐT có chức năng cung cấp và hỗ trợ các doanh nghiệp những giải pháp bán hàng trực tuyến, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh trên môi trường mạng.
Với những thành tích đạt được trong công tác CĐS, năm 2023, đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình CĐS. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong các hoạt động của ngành nhằm tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. |
Đến nay, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh có 135 doanh nghiệp thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết với 260 sản phẩm được chào bán, trong đó phần lớn là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng xây dựng, quản lý các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm bản đồ số ngành… giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi nhất trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng TMĐT phục vụ CĐS cho các doanh nghiệp, trong năm 2023, sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh hỗ trợ 5 doanh nghiệp áp dụng giải pháp công nghệ số (mã QR Code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; 4 doanh nghiệp xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn TMĐT Shopee; 5 doanh nghiệp phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Nông Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Hợp tác xã của tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm về nông sản. Thời gian qua, chúng tôi được Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM thường xuyên hỗ trợ tham gia vào sàn giao dịch TMĐT và mời tham gia các lớp tập huấn về bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu… Nhờ vậy, công việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn”.
Sau khi được tham gia các lớp tập huấn của Sở Công thương tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã không chỉ tham gia quảng bá, bán hàng hiệu quả trên sàn giao dịch TMĐT mà còn ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…) để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của mình. Đây chính là giải pháp đưa số hóa len lỏi vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Phan Phương