(QBĐT) - Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã tạo ra một sân chơi bổ ích, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng vươn lên để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực của các tầng lớp lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ III năm 2024 đã thu hút được sự quan tâm tham gia của các ý tưởng, dự án từ nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhiều đối tượng từ sinh viên, giáo viên, cán bộ, người lao động và nhận được sự tham gia phối hợp nhiệt tình từ các cơ sở giáo dục, như: Trường đại học Quảng Bình, Trường cao đẳng Kỹ thuật-Công Nông nghiệp Quảng Bình, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
Nhìn chung, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi lần này đã tập trung đi vào giải quyết các vấn đề trong thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Tiêu biểu là dự án “Keo dán gạch Porick xu hướng vật liệu mới trên thị trường hiện nay” của nhóm tác giả thuộc hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo thuyết minh dự án, keo dán gạch Porick là một loại vật liệu xây dựng mới. Với thành phần từ xi măng, cát, phụ gia, được phối trộn theo công thức riêng. Keo dán gạch Porick khẳng định được độ bám dính cao cho các bề mặt ốp lát, trở thành sản phẩm chuyên dụng dần thay thế cho vữa xi măng truyền thống. Sản phẩm sử dụng nguồn cát sạch phong phú của Quảng Bình vừa hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn nâng cao được chất lượng cho người sử dụng.
Dự án “Nâng cao chất lượng ghẹ xanh thương phẩm” của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam cũng mang tính đổi mới, sáng tạo cao. Ghẹ xanh là một loại hải sản nổi tiếng tại những khu du lịch ven biển của cả nước nói chung và của Quảng Bình nói riêng. Loài thủy sản này được biết đến là một thực phẩm ngon, nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngư dân đang gặp phải vấn đề là khoảng 40% ghẹ kém chất lượng khi khai thác, như: Ghẹ bị óp, đang ôm trứng, ghẹ bị gãy càng... giá thành thấp.
![]() |
“Dự án giải quyết vấn đề này bằng cách thu mua các loại ghẹ xanh kém chất lượng, thả nuôi theo quy trình công nghệ hiện đại, khép kín nhằm tạo thành những con ghẹ xanh bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Nguyễn Hữu Phước, đại diện HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam trao đổi.
Tính đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tài sản trí tuệ của dự án được Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá cao, đây là mô hình hoàn toàn mới ở Quảng Bình về ứng dụng công nghệ oxy nano vào trong máy thổi khí đem lại kết quả cao hơn nhiều so với các dòng máy thổi thông thường; ứng dụng các máy móc, công nghệ để điều chỉnh độ mặn của nước nuôi ghẹ là từ 20-35‰, pH từ 7,5-8,5 và nhiệt độ từ 20-300c; về thức ăn, HTX nghiên cứu, tự chế từ các loài cá tạp, nhuyễn thể... được khai thác tại biển và điều chỉnh theo giai đoạn phát triển của ghẹ.
Ngoài ra, các dự án, như: “Xây dựng mô hình cây tràm trà và chưng cất tinh dầu tràm tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình” của HTX sản xuất tinh dầu Như Oanh, “Nâng cao sinh kế cho người dân khu vực bảo tồn voọc gáy trắng thông qua mô hình phát triển cây dược liệu” của HTX dược liệu sạch Thủy Mai… đều mang tính cộng đồng cao, hướng đến tạo việc làm, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua việc chuyển đổi phương thức canh tác.
Ban Tổ chức cuộc thi ghi nhận tinh thần đam mê khởi nghiệp của các tác giả, nhóm tác giả có ý tưởng, dự án tham dự cuộc thi. Đặc biệt, các sản phẩm dự thi lần này đa phần không chỉ nằm trên ý tưởng mà đã được các tác giả, nhóm tác giả triển khai, kinh doanh ngoài thực tế và các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong khởi nghiệp trực tiếp tư vấn, định hướng cho từng dự án để ngày càng hoàn thiện, phát triển hơn.
So với cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ II năm 2022, các ý tưởng, dự án tham dự cuộc thi lần này đã được đầu tư chu đáo hơn cả về nội dung và hình thức; hồ sơ ý tưởng, dự án đã có kế hoạch, chiến lược kinh doanh, marketing cụ thể cho các sản phẩm; một số ý tưởng, dự án đã quan tâm đến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, công bố phù hợp tiêu chuẩn TCVN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân nhận xét: Cuộc thi đã thu hút được nhiều thanh niên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia; các ý tưởng, dự án được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, cho thấy con người Quảng Bình luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm mới.
Đây chính là những nhân tố nổi trội sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, Sở Khoa học-Công nghệ cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tích cực nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có những ý tưởng, dự án khởi nghiệp, mô hình hiệu quả phát triển.
“Tuy nhiên, so với hệ sinh thái khởi nghiệp chung của cả nước thì hệ sinh thái khởi nghiệp tại Quảng Bình còn khá non trẻ. Để cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần tiếp theo đạt hiệu quả hơn, đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên các cấp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần lồng ghép nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong chương trình đào tạo của học sinh, sinh viên, từ đó góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng, dám nghĩ, dám làm trong thế hệ trẻ”, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Nguyễn Trần Quang bày tỏ mong muốn. |
Hương Trà