(QBĐT) - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Thanh Nam cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng và nhân rộng kết quả mô hình KH-CN được 2 huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa đẩy mạnh và thực hiện đạt tiến độ, bảo đảm nội dung đề ra.
![]() |
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Tuyên Hóa chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Nuôi dúi mốc lớn thương phẩm tại xã Sơn Hóa” từ đầu tháng 11/2023, đến nay đã thực hiện đăng ký cơ sở nuôi dúi và được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép; tổ chức 1 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ quy trình kỹ thuật nuôi dúi mốc lớn thương phẩm cho người dân địa phương; xây dựng mô hình, chọn hộ tham gia, tiến hành mua con giống và chuẩn bị đầy đủ các vật tư, gồm: Thức ăn tre mía và tinh bột, thuốc thú y... nuôi 70 con dúi mốc lớn thương phẩm.
Nhiệm vụ: “Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa” do TTDVNN huyện Tuyên Hóa chủ trì thực hiện, đã khảo sát thực tế và tiến hành nuôi 2.000 con giống trai đen cánh dày (đã cấy mỗi con 2 nhân), trên tổng diện tích 2.000m2, mật độ 1 con/m2.
![]() |
Cùng đó, nhiệm vụ: “Xây dựng vườn cây phục vụ đào tạo kỹ thuật thực hành trồng và chăm sóc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cho đồng bào dân tộc miền núi” do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa chủ trì thực hiện, đã tiến hành thiết kế, xây dựng vườn mẫu trồng cây ăn quả, đưa vào trồng theo đúng quy trình kỹ thuật các loại bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái.
Các đơn vị chủ trì đang tiếp tục theo dõi các nhiệm vụ để thu thập số liệu, đánh giá, hoàn thiện báo cáo nghiệm thu.
H.Trà