(QBĐT) - Ông Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Đơn vị đã giao Công ty TNHH Giải pháp Chất lượng VQB chủ trì thực hiện mô hình “Thử nghiệm phân bón nano ĐH’93 vào sản xuất giống lúa Hương Bình trên địa bàn xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa”.
![]() |
Mô hình nhằm góp phần giảm thiểu lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật giúp tạo ra các sản phẩm lúa, gạo bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa, mang lại nguồn thu tốt, ổn định cho các hộ dân trên địa bàn.
Nhiệm vụ thực hiện từ 11/2022 đến nay, đã đạt được các mục tiêu đề ra: Trên diện tích 4ha sản xuất giống lúa Hương Bình vụ đông-xuân 2022-2023 với khoảng trên 100 ngày, cho thấy sử dụng phân nano ĐH’93 không ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng của giống; phân nano ĐH’93 có tác dụng tích cực đến sự sinh trưởng, phát triển của giống lúa khi phun qua lá vào các giai đoạn 18 ngày và 48 ngày sau gieo.
Tất cả các chỉ tiêu cấu thành năng suất và năng suất có sự chênh lệch nhiều giữa diện tích sử dụng phân nano và không sử dụng phân nano. Đặc biệt, năng suất của diện tích lúa thử nghiệm phân bón ĐH’93 đạt 6,25 tấn/ha cao hơn năng suất diện tích đối chứng (đạt 4,83 tấn/ha)…, chứng tỏ giống thích nghi khá với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm canh tác của người dân xã Minh Hóa. Doanh thu của mô hình đạt gần 260 triệu đồng; sau khi cân đối thu, chi, lợi nhuận thuần thu được đạt hơn 5 triệu đồng.
Qua đó khẳng định, mô hình hoàn thiện và đã xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa Hương Bình sử dụng phân nano ĐH’93 phù hợp với điều kiện huyện Minh Hóa.
H.Trà