(QBĐT) - Trong quá trình làm việc, người lao động (NLĐ) phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) gây ra những tai nạn, bệnh tật làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của NLĐ và xã hội. Chính vì vậy, việc nhận diện rủi ro để bảo vệ ATVSLĐ sẽ giúp hạn chế, giảm thiểu tối đa những thương tích, thiệt hại về tính mạng và tài sản cho NLĐ cũng như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Tại tỉnh Quảng Bình, năm 2018, xảy ra 58 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó chết 12 người, 32 người bị nặng, 14 người bị nạn nhẹ. TNLĐ thường xảy ra do một số nguyên nhân như: người sử dụng lao động, NLĐ vi phạm các quy định về ATVSLĐ, quy định về vận hành thiết bị và sử dụng vật tư. Đặc biệt, các doanh nghiệp không quan tâm việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; không kiểm tra kiểm định định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; không trang bị phương tiện bảo hộ và không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Về phía NLĐ, họ thiếu ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, nhất là những lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng...
Để nắm bắt thực trạng và đề xuất giải pháp hạn chế TNLĐ tại khu vực sử dụng máy móc thiết bị, vật tư dễ gây tai nạn, ngày 12-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND giao cho Trung tâm Kỹ thuật-Đo lường-Thử nghiệm được thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về quản lý, sử dụng các loại thiết bị, vật tư theo quy định về an toàn sức khỏe và đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn cho NLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.
![]() |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát tại 226 tổ chức/cá nhân có sử dụng, quản lý các loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Các loại máy, thiết bị khảo sát được phân chia theo thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành. Đối với các lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 207 tổ chức/cá nhân với 1.143 thiết bị, tập trung ở một số lĩnh vực như: kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác đá, cơ sở sửa chữa ô tô, sản xuất đá lạnh…Kết quả, có 96 đơn vị vi phạm quy định của Nhà nước về ATVSLĐ, 343 thiết bị không bảo đảm yêu cầu và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chiếm tỷ lệ 29%.
Đối với các lĩnh vực xây dựng, nhóm đã tiến hành khảo sát tại 10 tổ chức/cá nhân với tổng số 15 thiết bị (gồm: 3 cần trục tháp, 11 vận thăng và 1 sàn nâng người), kết quả có 7 tổ chức/cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước về ATVSLĐ, 8 thiết bị không bảo đảm yêu cầu và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (chiếm 53%).
Riêng lĩnh vực công thương, nhóm cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 8 tổ chức/cá nhân với tổng số 16 thiết bị (gồm các thiết bị thuộc nhóm C như: hệ thống điều chế, nạp, cấp, bình, bồn, bể, chứa sản phẩm dầu khí, khí dầu mỏ). Ở lĩnh vực giao thông vận tải, nhóm đã khảo sát tại 10 tổ chức/cá nhân với tổng số 34 thiết bị (gồm cần trục tự hành, cần cẩu, gầu nâng...). Ở hai lĩnh vực này không phát hiện đơn vị vi phạm, các thiết bị sử dụng đều an toàn.
Lý giải nguyên nhân, ông Phan Thanh Hà, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Ở lĩnh vực công thương, các thiết bị có nguy cơ cháy nổ cao nên luôn được kiểm định thường xuyên. Ở lĩnh vực giao thông vận tải cũng vậy, việc đăng kiểm xe hàng năm thường gắn với kiểm định các thiết bị an toàn. Ngoài ra, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra và xử phạt nếu các lái xe không thực hiện việc đăng kiểm và kiểm định phương tiện theo quy định của pháp luật. Vì thế, ở hai lĩnh này, các thiết bị an toàn luôn ở mức cao.
Trên cơ sở các số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã phân tích nhận diện các mối nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn đối các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh, đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ. Để các giải pháp này được áp dụng rộng rãi, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và đa dạng phương thức truyền thông về ATVSLĐ; tổ chức tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn các bảng, hình ảnh cụ thể gây mất an toàn đối với công việc đang làm trực tiếp của công nhân; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người quản lý, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng về công tác ATVSLĐ.
Công tác tổ chức đào tạo, huấn luyện và các hoạt động dịch vụ về kiểm định, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị ATVSLĐ cần được khuyến khích phát triển. Phương pháp đào tạo nên hạn chế về lý thuyết, tập trung vào thực tiễn, hình ảnh minh họa, dụng cụ trực quan, thực hành...
Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm có liên quan đến lĩnh vực ATVSLĐ...
Thanh Hoa