(QBĐT) - Vừa qua, HTX Thủy sản-Kinh doanh tổng hợp Ngọc Tâm, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) đã thử nghiệm và làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo loài cá diếc nước ngọt, giúp người dân tỉnh ta có thêm cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế từ loài thủy sản này.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt ở tỉnh ta đã có những bước tiến vượt bậc, nhiều loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao đã được quan tâm phát triển như: ba ba, cá chình, lươn, cá bống, cá lăng chấm... Trong đó, cá diếc là loài cá bản địa đang được săn lùng bởi giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, ngọt, mát, không tanh như các loại cá khác nên thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Bên cạnh đó, cá diếc còn là vị thuốc chữa một số bệnh như: tiểu đường, bổ máu, suy nhược cơ thể, đại tràng, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh …
Cá diếc vốn là loài cá nước ngọt có từ rất lâu, được đánh bắt trong tự nhiên, tuy nhiên với sự thay đổi phương thức canh tác lúa nước, sử dụng phân bón và chế phẩm hóa học nên nguồn cá tự nhiên cạn dần. Nếu chúng chỉ sinh sản tự nhiên thì không đủ để phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân, chất lượng giống sẽ ngày càng suy giảm. Mặt khác, những năm gần đây, do ảnh hưởng xấu của điều kiện môi trường cộng thêm khai thác quá mức nên sản lượng cá diếc trong tự nhiên dần bị giảm sút nghiêm trọng, cá lại có kích thước nhỏ, lớn chậm nên ít được nuôi hơn so với một số loài cá nước ngọt khác.
![]() |
Trước thực trạng đó, việc phục hồi, bảo tồn và nuôi thương phẩm cá diếc đã được HTX Thủy sản-Kinh doanh tổng hợp Ngọc Tâm thực hiện nhằm chủ động tạo ra con giống cá diếc để cung cấp cho người nuôi tại tỉnh ta và các vùng lân cận. Từ đó làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo cá diếc, đưa thêm đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào danh mục cá nuôi nước ngọt tỉnh nhà.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chọn 880 cá diếc bố mẹ (tỷ lệ đực cái 1:1) nuôi vỗ thành thục. Chế độ dinh dưỡng trong quá trình nuôi vỗ sử dụng thức ăn công nghiệp và mầm thóc. Sau một thời gian, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 352 cá cái và 396 cá đực thành thục đưa vào kích thích sinh sản, ấp trứng, ương cá bột lên cá hương. Sau 30 ngày, cá hương được chuyển sang ao lớn hơn với mật độ ương 100 con/m2 để tiếp tục ương lên cá giống, lúc này cá được cho ăn cám gạo, bột mỳ và bột cá.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ sống của cá hương lên cá giống khoảng đạt 75%, cao hơn so với tỷ lệ sống khi ương cá bột lên cá hương (62%). Cụ thể, lượng cá bột thu được là 420.000 con, lượng cá hương thu được là 260.000 con, còn cá giống thu được là 195.000 con. Do cá càng lớn khả năng thích nghi với điều kiện sống càng tốt hơn, từ đó cho tỷ lệ sống cao hơn. Sau 3 tháng ương nuôi, chiều dài trung bình cá giống đạt 4,62cm/con, khối lượng trung bình 2,503g/con.
Anh Phạm Ngọc Quỳnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: "Sau khi thử nghiệm thành công, chúng tôi đã xuất bán cho người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy gần 200.000 con giống. Hiện, các hộ nuôi đánh giá cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, quy trình này sẽ được nhân rộng và hỗ trợ chuyển giao cho người dân nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, với việc làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo cá diếc, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn giống để bà con nuôi thương phẩm với số lượng lớn."
Có thể nói, việc nhân giống nhân tạo cá diếc thành công là hướng đi mới để nhân giống cá nước ngọt cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta, đồng thời giữ được nguồn gen giống tự nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhân giống, cần chú ý hơn đến việc tuyển chọn giống để tạo ra giống tốt có sản lượng cao, chất lượng thịt thơm ngon, đồng thời cũng theo dõi bệnh cho cá để có biện pháp phòng ngừa và chữa trị khi nuôi đại trà trên diện rộng.
Thanh Hoa