Nguy cơ xâm hại của các loài ngoại lai tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

  • 03:01, 27/01/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hiện nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, sự xâm nhập của các loài ngoại lai gây hại đang tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp cho hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái nông nghiệp của Vườn. Việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về các loài ngoại lai xâm hại phục vụ công tác theo dõi, giám sát sự lây lan, sinh trưởng và phát triển của các loài này trong tự nhiên là một yêu cầu cấp thiết.

Theo thống kê, hiện có 25 loài ngoại lai xâm hại và 15 loài đang có nguy cơ xâm hại đến lãnh thổ nước ta. Sự xuất hiện của các loài ngoại lai này đã ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và môi trường.

Nhằm thống kê và đánh giá mức độ xâm hại của các loài ngoại lai tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, vừa qua, Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiến hành cuộc khảo sát tại các xã vùng đệm và vùng lõi của Vườn.

Quá trình khảo sát đã phát hiện và xác định được 14 loài ngoại lai xâm hại tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong đó có 9 loài nằm trong danh mục các loài ngoại lai xâm hại, 4 loài nằm trong danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Nhìn chung, các điểm phân bố của 14 loài ngoại lai xâm hại tại khu vực là tương đối rộng.

Theo kết quả nghiên cứu, 2 loại ngoại lai rất nguy hại là bìm bôi hoa vàng và mai dương; 3 loài nguy hại là ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi và trinh nữ móc; 1 loài nguy hại vừa là cá rô phi đen; 3 loài ít nguy hại là cỏ Lào, cây ngũ sắc, bèo tây; 5 loài ít nguy hại là cây lược vàng, cây keo dậu, cây cứt lợn, cúc liên chi và cá trê phi.

Mai dương, một trong những loài ngoại lai xâm hại rất nguy hiểm ở Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.
Mai dương, một trong những loài ngoại lai xâm hại rất nguy hiểm ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Một trong 2 loài rất nguy hại là bìm bôi hoa vàng đang xâm hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, đặc biệt là vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Bìm bôi có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây- Trung Quốc) là loài cây có sức sống mạnh, lan truyền nhanh bao trùm lên tất cả các loài thực vật, từ cây gỗ đến cây bụi. Chúng cạnh tranh không gian sống với những cây chủ, ngăn cản không cho các cây này tái sinh. Bìm bôi xâm hại chủ yếu là ở những vùng đất nghèo, đất trống đồi núi trọc, đất canh tác sau nương rẫy. Đối với các khu rừng phục hồi, rừng trung bình, rừng giàu có, tán rừng khép kín thì ít bị cây bìm bôi hoa vàng xâm hại.

Trong vùng lõi Vườn quốc gia, bìm bôi hoa vàng phát triển mạnh dọc hai bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường 20. Qua khảo sát cho thấy, trung bình có 9 gốc, 17 thân cây bìm bôi trên 500m2. Đối với vùng đệm, bìm bôi hoa vàng phát triển chủ yếu ở vùng đất rừng, chưa thấy chúng xuất hiện ở vùng đất nông nghiệp và đất ở. Một trong những xã bị cây bìm bôi hoa vàng xâm hại nhiều nhất, khoảng 35 ha là xã Thượng Trạch.

Với loài mai dương, một trong những cây hiện đang được cả nước quan tâm diệt trừ nhất đang phát triển mạnh ở các xã thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Mai dương là loài cây thân bụi, mọc thẳng, có chiều cao đạt tới 3m, nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, từ Mehico đến Achentina.

Mặc dù là cây mới xâm nhập vào khu vực nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhanh, xâm hại trên diện rộng. Tại xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Phú Định, Hưng Trạch..., mai dương chiếm diện tích trên đất nông nghiệp hàng năm và dọc các sông suối, ao hồ. Tại các xã Thượng Hóa, Trung Hóa, mai dương xâm chiếm trên diện tích đất lâm nghiệp, các chân đồi và dọc đường liên thôn, liên bản.

Thực tế, một khi các sinh vật ngoại lai xâm hại xâm nhập, sinh trưởng và phát triển thành quần thể thì biện pháp xử lý, diệt trừ trước mắt chỉ có thể là hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để phòng ngừa, kiểm soát và dần tiêu diệt sinh vật ngoại lai trong khu vực Vườn thì các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, tập hợp tài liệu về các loài ngoại lai xâm hại và tiến hành nghiên cứu về đặc tính sinh thái và sinh học của chúng, sau đó tùy theo điều kiện địa phương và đặc điểm sinh học của loài ngoại lai để quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt.

Chính quyền địa phương các xã vùng đệm cần tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các lực lượng, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là cộng đồng dân cư trên địa bàn tham gia diệt trừ các loại cây xâm hại. Công tác kiểm soát, phòng ngừa và tiêu diệt này cần được thực hiện thường xuyên và liên tục hàng năm.   

P.V

tin liên quan

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web
Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web

Báo cáo mới nhất được đại diện hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam phát đi tối 25-1 cho thấy, từ tháng 10 đến tháng 12-2015, sản phẩm của đơn vị này đã phát hiện hơn 6,8 triệu phần mềm độc hại từ Internet trên máy tính người dùng tại Việt Nam.

Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ tại Argentina
Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ tại Argentina

Các nhà khoa học Argentina đã phát hiện hóa thạch của một con khủng long chân thằn lằn Notocolossus, với chiều cao của xương chân dài tới 1,76m và thuộc họ thằn lằn bạo chúa.

Điện Biên: Người dân phát hiện chiếc trống đồng cổ khi đi làm nương
Điện Biên: Người dân phát hiện chiếc trống đồng cổ khi đi làm nương

Vào ngày 21-1, trong khi cuốc đất làm nương sắn ở dốc đồi gần khe Huổi Hoa (cách bản Pá Ngam 1 gần 2km), anh Lò Văn Việt, trú tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã nghe thấy tiếng kêu vang.