Thầy giáo của bản, làng

  • 07:12, 04/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Yêu trò như con, thầy giáo Hoàng Xuân Dục (SN 1978), Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học-trung học cơ sở (PTDTBT TH-THCS) Lâm Hóa (Tuyên Hóa) không chỉ làm tròn trách nhiệm của người “gieo chữ” mà còn là người cha thứ hai của những học sinh (HS) người dân tộc thiểu số.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Tiền Phong, xã Lâm Hóa, ngay từ nhỏ, Hoàng Xuân Dục đã ước mơ trở thành thầy giáo để ngày ngày dạy chữ và cả những điều hay cho những đứa trẻ trên chính quê hương của mình. Nhờ vào sự nỗ lực vượt khó học tập, anh đã biến ước mơ thành hiện thực.

Ngày đầu được phân công giảng dạy tại Trường PTDTBT TH-THCS Lâm Hóa, điểm trường Bản Kè, thầy giáo Hoàng Xuân Dục không biết bắt đầu từ đâu trước những khó khăn (không điện, không đường, không trường, không có nước sạch). Nhìn những đứa trẻ chân đất, ăn không đủ no, áo không đủ ấm càng thôi thúc thầy giáo trẻ phải làm một điều gì đó để bù đắp những thiệt thòi cho HS.

Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo vận động bà con dân bản chung tay tạo ra một ngôi nhà lá, xung quanh thưng che bằng phên nứa ngay giữa bản để làm nơi dạy học. Vì chưa quen với cuộc sống mới, nhiều đêm thầy giáo Xuân Dục không ngủ được vì nhớ nhà nhưng cứ nghĩ đến từng đôi mắt trong veo, tiếng đọc bài ê a, tiếng cười nói vui tươi và sự tiến bộ mỗi ngày của HS, thầy lại thấy tinh thần phấn chấn. Ngày qua ngày, thầy giáo vùng cao lại thấy yêu hơn công việc của mình.

Không chỉ dạy chữ, thầy giáo Hoàng Xuân Dục còn dạy cho HS thói quen giữ vệ sinh, rèn luyện cho HS ý thức tự giác trong học tập, sinh hoạt tập thể; tập cho HS đá bóng sau mỗi buổi học nhằm tạo tinh thần thoải mái cho các em trong học tập và rèn luyện sức khỏe.

Ngoài những giờ lên lớp, thầy giáo Hoàng Xuân Dục luôn dành thời gian để bổ trợ kiến thức cho học sinh
Ngoài những giờ lên lớp, thầy giáo Hoàng Xuân Dục luôn dành thời gian để bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Nhờ cùng ăn, cùng ở với HS, gắn bó với bà con dân bản, thầy giáo Hoàng Xuân Dục trở thành người thân của mỗi HS. Mỗi lần thầy rời bản trở về nhà là cả thầy và trò đều quyến luyến. HS còn tính ngày thầy trở lại trường rồi ra bờ sông chờ đón. Vào các dịp, như: Ngày 20/11, Tết cổ truyền của dân tộc... thầy luôn được HS tặng hoa rừng hay nắm chè tươi cùng những lời chúc mộc mạc đầy yêu thương.

Tại các điểm trường đã và đang dạy học (bản Kè, bản Chuối), thầy giáo Hoàng Xuân Dục luôn tích cực vận động HS đến trường, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ HS về mọi mặt. Thầy giáo còn tham gia các lớp dạy học xóa mù chữ cho bà con và vận động bà con thực hiện nếp sống mới, tránh xa các hủ tục lạc hậu… Qua các lớp học, thầy còn lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con và các HS thực hiện ăn chín uống sôi, phòng, chống dịch bệnh.

29 năm công tác tại Trường PTDTBT TH-THCS Lâm Hóa, thầy giáo Hoàng Xuân Dục luôn “ghi điểm” trong mắt bà con dân bản và những HS về sự ân cần, tận tụy. Nhờ sự nỗ lực của thầy và các giáo viên trong trường, số HS trong độ tuổi đến trường tại các điểm trường lẻ ngày càng tăng.

Chia sẻ với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH-THCS Lâm Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho hay: Đóng trên địa bàn của một xã miền núi rẻo cao có gần 50% hộ dân là người dân tộc Chứt (chủ yếu tộc người Mã Liềng) nên nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Trường có 4 điểm, trong đó có 3 điểm lẻ ở bản Cáo, bản Chuối và bản Kè. Điều đáng mừng là nhà trường có một tập thể sư phạm đoàn kết và những tấm gương tận tụy với nghề, đóng góp công sức rất lớn cho giáo dục vùng cao như thầy giáo Hoàng Xuân Dục.

Nhờ đó, nhà trường luôn thực hiện tốt việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường; 6 năm gần đây không có HS bỏ học; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.

Tận tâm với nghề, thầy giáo Hoàng Xuân Dục vinh dự được nhận các danh hiệu thi đua, như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp huyện... Năm 2024, thầy giáo vinh dự được tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

"Tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tấm gương nhà giáo đến từ mọi miền đất nước. Qua những câu chuyện được nghe tại sự kiện này, tôi nhận thấy không ít địa phương vùng miền núi, rẻo cao trong cả nước còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt. Những hành động, việc làm đầy ý nghĩa của các đồng nghiệp đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, tạo động lực để tôi tiếp tục cố gắng nhằm mang đến cho HS những bài học gắn với thực tiễn, từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục miền núi và các vùng miền khác”, thầy giáo Hoàng Xuân Dục trải lòng. 

Nh.V

tin liên quan

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

(QBĐT) - Chiều 2/12, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giữa học kỳ I năm học 2024-2025 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trường đại học Quảng Bình: Kỷ niệm 49 năm ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào
Trường đại học Quảng Bình: Kỷ niệm 49 năm ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào

(QBĐT) - Ngày 29/11, Trường đại học Quảng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 49 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2024). 

57 thí sinh đoạt giải tại hội thi "Tìm kiếm tài năng tin học trẻ Trường đại học Quảng Bình"
57 thí sinh đoạt giải tại hội thi "Tìm kiếm tài năng tin học trẻ Trường đại học Quảng Bình"

(QBĐT) - Ngày 23/11, Trường đại học Quảng Bình phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, Hội Tin học Quảng Bình tổ chức hội thi "Tìm kiếm tài năng tin học trẻ Trường đại học Quảng Bình lần thứ V năm 2024".