(QBĐT) - Tăng cường hợp tác quốc tế (HTQT) là một trong những hướng đi Trường cao đẳng kỹ thuật (CĐKT) Công-Nông nghiệp Quảng Bình lựa chọn từ nhiều năm nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cạnh tranh cho người học, đồng thời hướng đến xây dựng trường chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Từ đây, nhiều cơ hội mở ra, những nỗ lực đã được “đơm hoa, kết trái”.
Đầu tháng 12/2024, tròn 6 tháng Nguyễn Công Thành (SN 1996, ở xã Quảng Hưng, Quảng Trạch), sinh viên (SV) lớp cao đẳng chăn nuôi thú y K5, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình sang Đan Mạch thực tập tại một trang trại chăn nuôi lợn. Tại đây, công việc chính của Thành là chăm sóc lợn con đến lúc cai sữa.
“Công việc nhẹ nhàng, lại được trả mức lương khá cao. 6 tháng đầu mức lương trước thuế của em khoảng 50 triệu đồng/tháng. Sang tháng thứ 7 sẽ được nâng lên khoảng 60 triệu đồng/tháng. Không chỉ lo chi phí sinh hoạt, em còn tiết kiệm được một khoản kha khá. Tin rằng, sau 18 tháng thực tập tại đây, em không chỉ tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế, được tiếp cận công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ chuyên môn mà còn tạo được nguồn thu đáng kể”, Công Thành chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình Đào Hoài Linh, nhiều năm trở lại đây, HTQT là chiến lược được đơn vị tập trung đẩy mạnh với nhiều chương trình, khóa học sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn theo từng giai đoạn, từng năm học; tận dụng tốt sự hỗ trợ từ đối tác để xây dựng chương trình đào tạo thống nhất với bộ chuẩn nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực, giúp người học có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Cùng với việc hoàn thiện về cơ sở đào tạo, phương tiện giảng dạy, nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế, nhà trường đã có bước chuyển đổi về cơ chế, phương thức hợp tác, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển và hội nhập mới.
![]() |
Giai đoạn 2018-2023, trường đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường CĐKT-Dạy nghề tỉnh Khăm Muồn (Lào), nhằm thúc đẩy việc hợp tác, trao đổi giữa hai bên về chuyển giao khoa học, phối hợp, hỗ trợ trang thiết bị và vật tư trong đào tạo. Nhiều cuộc hội thảo được mở ra theo hình thức trực tuyến nhằm chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm giữa hai nhà trường trong các lĩnh vực hợp tác.
Đặc biệt, năm 2023, hai trường tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng, phát triển và trao đổi chương trình đào tạo với nhiều ngành nghề từ trình độ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng; phối hợp bồi dưỡng kiến thức cho các nhà giáo; đồng thời giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh (HS), SV tham gia học tập, nghiên cứu các ngành nghề; hỗ trợ, chia sẻ các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học…
Từ năm 2021, nhà trường hợp tác với tổ chức KOICA (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh hướng nghiệp, các dự án khởi nghiệp trong giáo viên và SV, phát triển các chương trình đào tạo, đào tạo giáo viên… Năm 2023, đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường CĐKT Nakhon Phanom (Thái Lan) để xây dựng chương trình đào tạo; trao đổi chuyên gia về một số ngành nghề trọng điểm, chuyển giao công nghệ; tổ chức các hội thảo chuyên đề; trao đổi giảng viên, HS, SV, tài liệu giảng dạy các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ ôtô, điện, du lịch, nông nghiệp…
Cũng trong năm 2023, biên bản hợp tác giữa Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình với Trường cao đẳng Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Chosun (Hàn Quốc) đã được ký kết. Theo biên bản hợp tác, hai bên sẽ giúp SV Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình có thể học 1 chuyên ngành trực thuộc Trường cao đẳng KH-CN Chosun trong vòng 2 năm để nhận được bằng cao đẳng hoặc liên thông lên đại học sau khi tốt nghiệp cao đẳng. SV sau khi học tiếng Hàn Quốc, môn chuyên ngành và môn chung tại trường trong vòng 1 năm sẽ chuyển sang nhập học tại Trường cao đẳng KH-CN Chosun. Trong thời gian học tại Hàn Quốc, SV học thêm 2 năm để được cấp bằng cử nhân, kỹ sư và được giới thiệu việc làm với visa lao động kỹ năng, mức thu nhập cao.
Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình hiện đang hợp tác với 60 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp nước ngoài, có 6 SV ngành chăn nuôi thú y đang thực tập tại Đan Mạch. Nhà trường cũng đang triển khai 1 lớp dạy tiếng Hàn cho SV tham gia du học tại Hàn Quốc và làm việc diện visa kỹ sư, thu nhập cao… |
Tiếp tục đẩy mạnh HTQT trong đào tạo nghề, năm 2024, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Học viện Universal Learning-Canada (ULI) về trao đổi các chương trình liên kết đào tạo, đưa SV sau khi tốt nghiệp sang làm việc tại Canada thông qua việc công nhận bằng cấp; trao đổi, phát triển chuyên môn của giảng viên, chuyên gia, SV và nhân viên hành chính; hội nghị, hội thảo, triển lãm về các vấn đề cùng quan tâm…
HTQT là giải pháp quan trọng giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình nói riêng nâng cao chất lượng đào tạo, bắt kịp các xu hướng phát triển của thế giới. “Thời gian tới, trường sẽ chủ động tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, viện, trường ở nhiều quốc gia để gia tăng mức độ quốc tế hóa với mục đích cho sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển, mở ra cơ hội để các em tham gia thị trường lao động.
Nhà trường tập trung xây dựng, triển khai các chương trình HTQT; tăng cường giao lưu giảng viên, SV với các đối tác chiến lược. Chúng tôi cũng sẽ chủ động đàm phán xây dựng chương trình HTQT song phương để phía đối tác quốc tế hỗ trợ đào tạo cán bộ, HS, SV và chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, theo kịp xu thế phát triển của giáo dục nghề nghiệp cấp độ quốc tế…”, ông Đào Hoài Linh nhấn mạnh.
Tâm An