(QBĐT) - Trường cao đẳng kỹ thuật (CĐKT) Công-Nông nghiệp Quảng Bình những năm trở lại đây trở thành địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực, lao động tin cậy với hàng chục loại hình, trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng, đại học, cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhà trường còn là nơi bảo đảm nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), miền núi, vùng sâu vùng xa.
Những tín hiệu vui
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) Hoàng Trọng Đức chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, con em ĐBDTTS đã có ý thức hơn trong học tập, lập thân, lập nghiệp. UBND xã phối hợp với Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình sớm định hướng ngành nghề cho học sinh trong xã. Sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nếu không trúng tuyển vào đại học, các em (trong đó ưu tiên con em ĐBDTTS) sẽ được đào tạo nghề miễn phí.
Theo thống kê, toàn xã Trường Sơn có 16 con em đồng bào từng qua đào tạo nghề tại Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình. Sau khi ra trường các em chủ yếu vào miền Nam lao động, một số trở thành cán bộ thôn, bản. Đặc biệt, có em Hồ Văn Hải (SN 1996) ở bản Cổ Tràng đang tham gia lao động ở nước ngoài.
![]() |
Thầy giáo Trương Văn Sỹ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Trường Xuân (Quảng Ninh) cho biết: Một trong những định hướng đào tạo, hướng nghiệp cho con em ĐBDTTS mà nhà trường đang thực hiện là sau khi các em tốt nghiệp THCS, nếu không muốn học lên cao hơn sẽ động viên các em vào học các trường nghề.
Một trong địa chỉ tin cậy con em ĐBDTTS xã Trường Xuân lựa chọn là Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình và Trường trung cấp Nghề Quảng Bình. Trong năm học 2023-2024, theo định hướng phân luồng đào tạo, có 9 học sinh con em Bru-Vân Kiều tốt nghiệp THCS, chỉ có 1 học sinh theo học bậc THPT và 7 học sinh theo học nghề.
Đào tạo nguồn nhân lực thị trường cần
Tìm hiểu tại Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường Dương Thanh Ngọc cho biết: Về quy mô, trường đào tạo trung bình khoảng 11.500-12.000 học sinh, sinh viên/năm, trong đó tuyển sinh mỗi năm từ 300-350 sinh viên cao đẳng và 700 học sinh trung cấp. Theo xu thế phát triển và nhu cầu xã hội, nhà trường cố gắng đa dạng hóa các loại hình đào tạo, duy trì 13 ngành cao đẳng, 27 ngành trung cấp, trên 40 ngành nghề sơ cấp (thời gian đào tạo từ 3 tháng đến dưới 1 năm) và dạy nghề ngắn hạn (thời gian đào tạo dưới 3 tháng).
“Trường CĐKT Công-Nông nghiệp chú trọng đào tạo sâu các ngành nghề, người dân cần, thị trường lao động cần. Liên kết, ký kết đào tạo bảo đảm nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, cung cấp nguồn lao động chất lượng cho thị trường lao động nước ngoài. Qua đào tạo, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp lớn, như: Greenfeed; CP. Group; Lilama Việt Nam; Tổng công ty sông Đà; Tổng công ty Thăng Long; Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng; các HTX Nông nghiệp trong và ngoài tỉnh...”, ông Dương Thanh Ngọc cho biết.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS, Trường CĐKTCông-Nông nghiệp Quảng Bình chú trọng định hướng con em DTTS tập trung vào các nhóm ngành nghề: Nông nghiệp (lâm sinh, nông nghiệp công nghệ cao, trồng trọt, chăn nuôi thú y); lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp (công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh điều hòa); du lịch dịch vụ (kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, quản lý bán hàng siêu thị). Giai đoạn 2022-2024, nhà trường đã đào tạo trình độ trung cấp cho 1.140 con em ĐBDTTS.
![]() |
Về đào tạo trình độ cao đẳng, nhà trường chú trọng các nhóm nghề nông nghiệp (quản lý tài nguyên rừng, chăn nuôi thú y) và du lịch, dịch vụ (kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành). Giai đoạn 2022-2024, nhà trường đã đào tạo được 180 con em đồng bào.
Theo giới thiệu của Phó Hiệu trưởng Dương Thanh Ngọc, tôi gặp nhóm sinh viên: Hồ Bảy, Hoàng An, Hồ Văn Rai ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy), lớp cao đẳng Quản lý tài nguyên rừng K6, chủ nhân dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi” đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình lần thứ III. Hồ Bảy (SN 1986) hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Mít, xã Kim Thủy.
Nhắc đến dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi”, Hồ Bảy chia sẻ: “Hiện tại, nhóm đang cùng với UBND xã Kim Thủy vận động người dân quy hoạch lại vùng nguyên liệu cây cỏ hôi. Kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ vốn thành lập hợp tác xã, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất, mở rộng thị trường... từ đó tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, thu hút con em DTTS đến làm việc...”.
Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình có nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp đa lĩnh vực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục bảo đảm nguồn nhân lực cho vùng ĐBDTTS theo Nghị quyết số 08 NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. |
Thanh Long