(QBĐT) - Để nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có vai trò vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng như các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo dạy nghề có kỹ năng sư phạm tốt, vững vàng về chuyên môn và thạo kỹ năng thực hành.
![]() |
Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, toàn tỉnh có 202 cán bộ quản lý GDNN tại các cơ sở GDNN; trong đó, 17 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, 22 giám đốc, phó giám đốc, 127 cán bộ quản lý là trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, 36 cán bộ quản lý là trưởng bộ môn, phó bộ môn.
Tổng số nhà giáo cơ hữu (thuộc biên chế và hợp đồng từ 12 tháng trở lên) tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN dưới 3 tháng là 660 người; trong đó, trường cao đẳng 311 nhà giáo (chiếm 47,12%), trường trung cấp 248 nhà giáo (chiếm 37,6%), trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề 101 người (chiếm 15,3%).
Các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cùng với việc tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, Sở LĐ-TB-XH quan tâm tổ chức hội giảng nhà giáo GDNN các cấp, hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm...
Qua đó, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội để các nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy, tạo động lực để phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển GDNN...
Đ.Vân