(QBĐT) - Buổi sáng, những thanh âm trong trẻo của tiếng giảng bài, tiếng đánh vần, tập đọc xen lẫn tiếng cười giòn tan của cô và trò vang lên từ nhà văn hóa bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã phá tan màn sương đang giăng đầy lưng núi ở phía xa cánh rừng đại ngàn. Nơi đây, đang có một lớp học đặc biệt diễn ra với đích đến là quyết tâm học lấy con chữ để hiện thực hóa những ước mơ cho tương lai…
Cô và trò đặc biệt…
Tập vở mới còn thơm mùi giấy được các học viên đặt ngay ngắn ở trên bàn, những bàn tay chai sạn, thô ráp, cứng nhắc, lâu nay vốn chỉ quen với cái cuốc, con dao và chiếc gùi trên lưng giờ cảm thấy bỡ ngỡ dưới bàn tay nắn nót chỉ bảo từng nét chữ, con số của các cô giáo. Bởi điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên một số bà con Bru-Vân Kiều ở bản Khe Giữa không biết con chữ. Giờ, họ đã yên bề gia thất, tuổi đã lớn, trí nhớ kém, thậm chí có người đã lên chức bà ngoại nhưng những ngày cuối tuần vẫn tranh thủ đến lớp “xóa mù” để học tập.
Lớp học đặc biệt này có 19 học viên, đa số thuộc lứa tuổi trung niên, có người từng sinh sống ở Lào nhưng vượt lên tất cả, họ đến lớp với niềm háo hức, đam mê vì được học con chữ với mong muốn hết sức giản đơn là biết viết tên mình để không phải điểm chỉ, cách tính toán các con số để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Và xa hơn, họ muốn nâng cao nhận thức, từ đó có nếp nghĩ mới, cách làm mới, xây dựng cuộc sống của chính mình ngày càng tiến bộ, no ấm.
![]() |
Bà Hồ Thị Hồng (SN 1974) ở bản Khe Giữa đã lên chức bà ngoại được mấy năm nay. Trong gia đình bà, người học ít nhất cũng dừng lại đến hết lớp 9. Bà Hồng từng theo học con chữ từ cuối những năm 90, nhưng giờ con chữ đã rơi rụng hết nên phải bắt đầu lại từ đầu. Với bà Hồng, thời điểm này đến lớp học con chữ thực sự khó khăn hơn, bởi tuổi đã lớn, mắt mờ, trí nhớ kém. Dù vậy, bà vẫn rất chăm chỉ đến lớp. Sau 6 buổi học, bà Hồng đã biết đọc, biết viết, biết ghép chữ…
“Hàng ngày, mình phải đi bóc vỏ keo thuê, làm nương, khi xong việc lại phải vào rừng hái măng về bán để kiếm kế sinh nhai. Với mình, việc học khó thật, dù cầm bút, cầm phấn không nặng như cầm cuốc, vác gùi. Buổi đầu chưa quen, khi mình viết, tay đều bị cứng, mỏi, nay mình đã dần quen rồi…”, bà Hồng bộc bạch.
Chị Hồ Thị Leo (SN 1993) ở bản Khe Giữa chia sẻ, từ nhỏ đến giờ chị chưa bao giờ được đi học nên rất thích. Trước đây, chị sống với gia đình bố mẹ ở bản Avin (Lào). Năm 2012, chị lập gia đình có chồng là người ở bản Khe Giữa nên chuyển về đây sinh sống. Do không biết chữ nên những lần đi vay vốn ngân hàng, nhận tiền hỗ trợ cho các con chị Leo đều phải điểm chỉ.
“Tháng 9 vừa rồi, mình được vận động đi học chữ để biết viết, biết ghi tên, biết cộng trừ. Không biết chữ đi đâu cũng khó, đến cái tên cha mẹ đặt cho cũng không biết viết. Đến nay, mình đã biết một số mặt chữ, con số nên cảm thấy vui lắm. Cảm ơn các cô giáo đã dạy cho mình biết được con chữ, mình sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa…”, chị Leo cho hay.
Lớp học đặc biệt ở bản Khe Giữa có hai cô giáo của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Ngân Thủy đứng lớp. Họ đều là người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều sinh sống ở bản Km14 (Ngân Thủy). Cứ vào những ngày cuối tuần, các cô lại chạy xe hơn 10km vào bản Khe Giữa để dạy chữ.
“Lâu nay, khi triển khai các mô hình phát triển kinh tế, bà con chỉ biết lắng nghe, không biết vận dụng, cán bộ địa phương phải “bắt tay, chỉ việc”. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động ở các lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn. Nay, bà con theo học con chữ sẽ có tương lai rộng mở hơn…”, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Hồ Văn Núi khẳng định. |
Cô giáo Hồ Thị Phố (SN 1989), người có thâm niên gần 10 năm trong nghề giáo, trực tiếp tham gia đứng lớp cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Gia đình cô Phố có 3 ba người con, chồng cô lại công tác ở một xã miền núi khác của huyện Lệ Thủy. Cuối tuần, cũng là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy nhưng cô Phố gác lại niềm riêng để vào bản Khe Giữa dạy chữ.
“Với những học sinh đặc biệt này dù tuổi đã lớn nhưng tất cả phải bắt đầu như học sinh mầm non, song buổi học nào họ cũng chuyên cần, chăm chỉ học tập, sẵn sàng hỏi những điều chưa biết. Nhiều lúc truyền đạt kiến thức, bản thân tôi phải dùng tiếng bản địa để giải thích cho họ hiểu…”, cô giáo Hồ Thị Phố nhận xét.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoa (SN 1989), người Bru-Vân Kiều cũng có 2 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất chưa được 4 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn 1 tuổi. Với tình yêu nghề và đóng góp sức cho quê hương, để có thời gian lên lớp, cô Hoa phải thuê người trông giữ các con để vào bản Khe Giữa dạy chữ…
Con chữ mở rộng tương lai…
Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Hồ Văn Núi bảo rằng, người Bru-Vân Kiều ở đây có gốc gác tận Quảng Trị. Bản Khe Giữa có hơn 150 hộ, hơn 530 nhân khẩu và cuộc sống chủ yếu dựa vào hơn 10ha lúa nước, trồng rừng. Bởi, không có nhiều đất sản xuất, dân bản Khe Giữa phải đi làm thuê, trồng keo, tràm thuê và dựa vào rừng. Tỷ lệ hộ đói, nghèo ở đây vẫn còn cao so với bình quân toàn xã…
“Trước đây, vì điều kiện quá khó khăn, các lớp thế hệ dân bản Khe Giữa nhiều người không được đi học, đến trường nên không biết chữ. Giờ, được sự quan tâm của các cấp, lớp học “xóa mù” chữ được mở ra, bà con đã mạnh dạn đăng ký đi học. Lớp học được bố trí vào các ngày nghỉ cuối tuần nên không ảnh hưởng đến công việc thường ngày…”, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết thêm.
![]() |
Cô giáo Hồ Thị Phố chia sẻ, lớp học đặc biệt này được tổ chức từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tổ chức lớp học là một năm với hơn 1.000 tiết học. Mục đích cuối cùng của lớp học hướng đến là bà con phải biết đọc, biết viết, biết tính toán…
“Khi tham gia dạy tại lớp học đặc biệt này, tôi phải xây dựng phương pháp giảng dạy làm sao ngắn gọn, súc tích, phù hợp nhất để học viên dễ nắm bắt. Những buổi đầu đến lớp, những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cuốc, vác gùi, giờ lại ngồi một chỗ để nắn nót từng nét chữ, từng con số, cho thấy ý chí quyết tâm, tinh thần học tập suốt đời của những học viên đặc biệt này…”, cô Hồ Thị Phố cho hay.
Bà Hồ Thị Hồng người lớn tuổi nhất lớp học cho rằng, có được con chữ là tự giúp mình và phục vụ đắc lực cho hoạt động hàng ngày cũng như lao động, sản xuất; đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho bà con các cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
Ngọc Hải