(QBĐT) - Học sinh, sinh viên có môi trường thực tế rèn luyện kỹ năng nghề và tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đó là cơ hội quý được tạo ra từ chính mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) trong đào tạo. Tuy nhiên, để mối liên kết này thêm bền chặt, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9
Liên kết giữa nhà trường và DN là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển và cũng là vấn đề then chốt nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên (HS, SV). Nhận thức được điều đó nên nhiều năm qua, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 luôn chú trọng công tác liên kết đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 hiện đào tạo 21 ngành, nghề, trong đó: Trình độ trung cấp có 10 ngành, nghề và trình độ sơ cấp 11 nghề. Nhiều ngành, nghề hiện đang thu hút số lượng lớn học sinh đăng ký tham gia theo học, như: Kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí…
Thời gian qua, trường đã phối hợp với các DN trong và ngoài tỉnh đưa học sinh đi kiến tập, thực tập, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho người học. Trong đó, chủ yếu là các đơn vị, DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và ô tô, như: Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh, khách sạn Meliá Vinpearl, khách sạn Sài Gòn-Quảng Bình, Công ty CP Auto Trường Hải...
Tại các cơ sở này, học sinh sẽ có điều kiện để được thực hành, làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, tránh sự bỡ ngỡ khi các em ra trường, tìm kiếm việc làm. Quá trình liên kết trong đào tạo cũng tạo cơ hội thuận lợi cho DN trong tìm kiếm, thu hút nguồn lao động chất lượng, không còn phải mất thời gian, công sức để đào tạo lại.
![]() |
Nhiều năm nay, nhà trường cũng đã mời đại diện các DN tham gia vào quá trình giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Những tiết học này luôn được HS, SV hào hứng tham gia.
Đây cũng là cầu nối để HS, SV tiếp cận với DN, các đơn vị tuyển dụng nhằm giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Một số chương trình đào tạo được thực hiện theo đơn đặt hàng của DN, “đo ni, đóng giày” nên hiệu quả cũng cao hơn. Đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, chú trọng kỹ năng, tay nghề cho người học nên những năm gần đây, đã có hơn 85% HS, SV của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, với các ngành nghề trọng điểm, như: Kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… gần 100% HS, SV có việc làm sau khi đào tạo. HS, SV được các DN chấp thuận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, mối liên kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo nghề vẫn còn khá lỏng lẻo. Để bảo đảm được lợi ích và sự đồng thuận của tam giác DN-nhà trường-người học, thì cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị cụ thể, trong đó, cần gắn trách nhiệm của các bên liên quan.
Diệu Hương (thực hiện)
“Gỡ nút thắt” để cùng có lợi
Doanh nghiệp tăng cường hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có nguồn nhân lực qua đào tạo được xem là một trong những giải pháp “gỡ nút thắt” để nhiều bên cùng có lợi.
Giám đốc Công ty CP Toyota Quảng Bình Hoàng Lê Minh Tuấn cho biết: Để có đội ngũ kỹ thuật viên (KTV) lành nghề, làm việc đạt năng suất, chất lượng, thời gian qua, đơn vị đã liên kết với Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình để đào tạo và tiếp nhận KTV đã qua đào tạo vào làm việc, vừa đáp ứng nhu cầu đơn vị, vừa giải quyết đầu ra về việc làm cho sinh viên.
Hiện, Toyota Quảng Bình có hơn 80 KTV đang làm việc thông qua liên kết đào tạo nghề trong số 126 cán bộ, nhân viên và người lao động toàn đơn vị. Về cơ bản, các KTV qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu công việc. Sau khi vào làm việc, đơn vị cũng tổ chức đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết khác nhằm nâng cao chất lượng KTV lành nghề, đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng kỹ thuật ngày càng cao của công việc.
![]() |
Tại trụ sở số 204, đường Lý Thường Kiệt (TP. Đồng Hới), chúng tôi gặp anh Bùi Ngọc Hiển (SN 1991, ở xã Nghĩa Ninh)-là một trong những KTV lành nghề được đào tạo bài bản với kinh nghiệm trên 10 năm trong nghề “chăm sóc làm đẹp” pha màu phun sơn ô tô.
“Làm việc khá lâu năm ở Toyota Quảng Bình, tôi thấy các chế độ, chính sách, tiền lương của người lao động cơ bản bảo đảm với mức lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng; giờ giấc việc làm tương đối ổn định; chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, công ty luôn bảo đảm chế độ nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, vui chơi dịp lễ, Tết… cho người lao động. Hàng năm, đơn vị cũng chú trọng đến bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ KTV; tổ chức liên kết đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng lao động, phù hợp với từng vị trí chuyên môn và ứng dụng công nghệ hiện đại”, anh Bùi Ngọc Hiển chia sẻ.
Theo Giám đốc Công ty CP Toyota Quảng Bình Hoàng Lê Minh Tuấn, với đội ngũ KTV lành nghề, làm việc đạt năng suất, chất lượng đã góp phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty. Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu của đơn vị đạt trên 21 tỷ đồng. Dù thời gian tới sẽ có những khó khăn do thị trường mua bán ô tô có phần trầm lắng, lực lượng lao động cũng dôi dư, nhưng đơn vị sẽ nỗ lực hơn trong các dịch vụ kinh doanh để tiếp tục đạt được doanh thu, bảo đảm việc làm, đời sống cho cán bộ, nhân viên và người lao động của đơn vị.
H.TR
“Nhờ học nghề tôi đã có việc làm ổn định”
Anh Nguyễn Tâm Nam ở xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) từng học nghề lái máy xúc tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình. Trong quá trình học, anh được các thầy cô hướng dẫn lý thuyết, thực hành sửa chữa máy xúc rất kỹ càng. Học xong, anh Nam tiếp tục xin vào học việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn, được doanh nghiệp lo ăn, ở và hỗ trợ một phần kinh phí sinh hoạt.
Anh Nam tâm sự: “Sau thời gian học việc, tôi được doanh nghiệp xây dựng nhận vào làm công việc lái máy xúc với công việc ổn định, mức lương bình quân từ 12-15 triệu đồng/tháng. Nhờ có thu nhập khá, tôi có điều kiện để làm nhà, nuôi con ăn học. Hiện tại, tôi cũng đang dành dụm thêm nhằm mua một chiếc máy xúc để tự đi làm, tăng thêm thu nhập, chủ động thời gian”...
Theo anh Nam, không chỉ bản thân anh mà còn nhiều người bạn học cùng khóa sau khi được đào tạo nghề cũng đã tìm được công việc ổn định, mức thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng. Một số người nhận công việc ở xa, thu nhập cao hơn với 25 triệu đồng/tháng. Đa số sinh viên, học viên từ Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình học xong đều có việc làm ổn định. Có người còn tích cóp, mua được các phương tiện để làm chủ, thành lập công ty, tạo việc làm cho nhiều lao động.
![]() |
Anh Nam cho rằng, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT ngoài việc theo học ở các trường đại học còn có thể đăng ký học nghề bởi chất lượng đào tạo nghề ở các trường đang ngày càng được nâng lên, cơ hội tìm việc làm cao hơn.
Hiện nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng và vận tải đang đang cần số lượng lớn công nhân lái xe, lái máy. Các nghề nấu ăn, may mặc, phục vụ nhà hàng, khách sạn... cũng đang cần nhiều lao động thực sự có tay nghề. Nếu chăm chỉ học tập, rèn luyện và có tay nghề vững, thì các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt, thu nhập khá, phù hợp với bản thân...
Xuân Vương