(QBĐT) - Chỉ khoảng vài hôm sau buổi chia tay trường lớp, bạn bè để nghỉ hè, ngoại trừ học sinh (HS) khối 12 đang tiếp tục hành trình thi đại học, hầu hết các cháu HS và các bậc phụ huynh (PH) đã ngay lập tức bước vào một kỳ học mới, đó là kỳ học thêm. Không phải kỳ học chính khóa và hoàn toàn có thể lựa chọn tham gia hay không, nhưng học thêm là câu chuyện dài khiến không ít HS và PH cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Và xung quanh việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là nhiều câu chuyện cần bàn!
Đầu tháng 6, cùng với nhiều PH khác, anh H. đưa con đến lớp học thêm để tham gia “sát hạch” đầu vào. Vài hôm sau, cô giáo dạy thêm gửi danh sách HS “trúng tuyển” và phân chia lớp, trong đó thiếu nhiều HS so với danh sách đăng ký ban đầu. Tìm hiểu lý do được biết cô giáo chỉ tuyển các bạn HS khá trở lên, HS “sát hạch” đạt điểm trung bình hoặc yếu không được nhận vào lớp. Những HS không có trong danh sách không khỏi lo lắng, PH còn lo lắng nhiều hơn và tìm cách để con mình được học thêm.
Đây là tình trạng khá phổ biến ở một số lớp học thêm, nhất là lớp của các thầy cô giáo “nổi tiếng”. Thậm chí có giáo viên từng tuyên bố công khai là lớp chỉ nhận HS giỏi, điều này đã gây áp lực cho HS và PH.
Học thêm là nhu cầu của HS và PH. Việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đã được quy định bằng các văn bản cụ thể nhằm bảo đảm trách nhiệm của người dạy và quyền lợi của người học. Trên thực tế, nhiều thầy cô giáo đã thực hiện tốt các quy định trong quá trình dạy cũng như đáp ứng nhu cầu, mong muốn của HS và PH, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên bên cạnh đó, sự biến tướng trong dạy thêm, học thêm đã xảy ra khi có những HS không tham gia học thêm sẽ bị phân biệt đối xử hay tình trạng thầy cô giáo tổ chức “sát hạch” để lựa chọn trò giỏi vào lớp học thêm và từ chối HS trung bình, HS yếu.
“Đành rằng việc dạy thêm, học thêm là trên cơ sở nhu cầu của cả hai bên, song thầy cô giáo có tâm sẽ là người dạy HS yếu lên trung bình, trung bình lên khá và HS khá sẽ trở thành HS giỏi nếu cả thầy cô và HS cùng cố gắng. Đó cũng là mong muốn chính đáng của HS và PH. Còn nếu thầy cô giáo chỉ lựa chọn HS khá giỏi để dạy thêm thì tôi nghĩ rằng thầy cô giáo chưa thật sự làm tốt trách nhiệm của mình!”, một PH chia sẻ.
Cùng với các lớp học thêm nói trên, đây cũng là thời điểm PH có con em chuẩn bị vào lớp 1 bắt đầu “cuộc đua” đầu tiên ở các lớp học thêm để con không bị tụt hậu. Để kiểm soát tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh và Sở GD-ĐT đã có các quy định về việc các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường tuyệt đối không dạy học trước chương trình lớp 1, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 1.
Quy định là thế, nhưng nhiều PH vẫn lo lắng nên những năm qua, các lớp dạy thêm, học thêm trước khi vào lớp 1 vẫn phát triển. Trong số đó có nhiều lớp HS đông, không bảo đảm không gian cho các cháu; một số lớp còn tổ chức bán trú cho trẻ. Nguyên nhân sâu xa vẫn là sự lo lắng của PH về việc con em mình sẽ không theo kịp chương trình, sợ bị “phân biệt đối xử”, bị tụt hậu khi không học thêm.
Tại tỉnh ta, trên cơ sở các quy định của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã có các quy định cụ thể nhằm quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đối với học thêm ngoài nhà trường, cùng với các quy định chung, sở yêu cầu các đơn vị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phải tăng cường quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của cán bộ, giáo viên đơn vị mình; kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Quy định đã có nhưng việc dạy thêm vẫn diễn ra với không ít áp lực cho HS và PH. Một số lớp học thêm cũng tìm cách “lách” các quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, mỗi một thầy cô giáo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và nỗ lực của mình để làm tốt nhiệm vụ của người thầy, đáp ứng nhu cầu chính đáng của PH và HS để việc học thêm không còn là nỗi lo lắng, ám ảnh đối với các bậc PH và các em HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngọc Mai