(QBĐT) - Say mê viết chữ từ những ngày đi học, cô giáo Phan Thị Thu Liễu (SN 1974), Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hoàn Lão (Bố Trạch) nay đã hơn 30 năm trong nghề chị vẫn với niềm đam mê và tiếp tục “truyền lửa” cho học sinh và giáo viên.
“Những năm học phổ thông, tôi thường được thầy cô giáo cử viết sổ đầu bài, viết thiệp, làm báo tường… Năm 1991, tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào Trường đại học Mỹ thuật Huế với suy nghĩ đơn giản là mỹ thuật là sẽ được thỏa mãn đam mê viết vẽ nhưng mẹ động viên vào sư phạm. Trở thành giáo viên, tôi cũng có cơ hội hơn với chữ viết và viết chữ!” cô giáo Liễu chia sẻ.
![]() |
Từ những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, chị đã nỗ lực rèn luyện cho học sinh và chính bản thân mình sự kiên trì, nghiêm túc, bền bỉ trong luyện viết chữ đẹp. Thời điểm đó, các loại bút mực dùng để viết không đa dạng và tiện dụng như bây giờ nên chị thường tự mua bút về mài để viết “nét thanh, nét đậm”. Dù đồng lương giáo viên eo hẹp nhưng các loại bút mực luyện viết cho bản thân và học sinh chị đều sắm đủ.
Ngoài giờ lên lớp, chị tranh thủ luyện viết trong những khoảng thời gian rảnh rỗi. Ban đầu là viết trên bảng, trong vở, sau này, chị “lấn sân” sang nhiều vật liệu khác, như: Vải, sứ, gỗ, thủy tinh, mành tre… Sự say mê và nỗ lực đó giúp chị đoạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện và giải ba cấp tỉnh. Đặc biệt, tại cuộc thi viết chữ đẹp cấp quốc gia năm học 2005-2006, hai học sinh của chị đã đoạt 1 giải nhất và 1 giải nhì.
Những “tác phẩm” chữ đẹp của cô giáo Phan Thị Thu Liễu thường xuất hiện ở bảng tin của nhà trường nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày hội của thầy, cô giáo và học sinh, các hoạt động thiện nguyện hay giản đơn là thông báo của nhà trường. Nét nổi bật của Trường tiểu học số 1 Hoàn Lão chính là các bức tranh trên bảng tin theo từng chủ đề mà cô giáo Thu Liễu là tác giả của nét chữ cùng với các cô có năng khiếu vẽ thêm những họa tiết phù hợp, ý nghĩa đã ghi dấu ấn đặc biệt, tạo không gian tươi mới cho ngôi trường, thu hút sự chú ý của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
Nét chữ của chị tự do, phóng khoáng không bị gò theo một mẫu chữ nào cụ thể. Tùy từng chất liệu, từng nội dung chủ đề để chị có thể thỏa sức thể hiện kiểu chữ phù hợp khi viết trên nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, chị đã góp công sức bằng những bức tranh chữ của mình để đổi lấy tấm lòng của anh, chị em, bạn bè cho những chuyến hoạt động từ thiện đến với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em vùng sâu vùng xa thêm áo mới.
![]() |
Không chỉ nỗ lực và sáng tạo, cô giáo Phan Thị Thu Liễu còn là người khơi nguồn cảm hứng để đồng nghiệp và học sinh luyện viết chữ đẹp thông qua các hoạt động thiết thực của nhà trường. Hiện nay, công nghệ số, máy tính và các phần mềm soạn thảo phát triển mạnh mẽ, nhưng với chị, viết tay vẫn là một phần vô cùng quan trọng.
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người rất tâm huyết với sự nghiệp trồng người, từng nói “Nét chữ, nết người” nên việc rèn luyện cho học sinh viết chữ đẹp là một trong những trách nhiệm của thầy cô giáo. Những “bức tranh” theo chủ đề trên bảng tin của trường không chỉ tạo diện mạo phong phú, tươi mới cho trường, mà còn góp phần quan trọng trong hoạt động giáo dục, tuyên truyền về truyền thống quê hương, đất nước. Viết tay còn giúp duy trì và tăng cường trí nhớ, rèn luyện tính kiên nhẫn, sự chỉn chu của mỗi người nên cá nhân tôi luôn cố gắng chia sẻ, khơi nguồn đam mê viết chữ đẹp đến học sinh và đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ”, cô giáo Phan Thị Thu Liễu cho hay.
Và niềm vinh dự lớn đã đến với chị khi được chọn là người chép bài thơ “Niềm tin” của nhà thơ Văn Lợi mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình kính tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào dịp xuân mới 2024. Hồi hộp và tự hào, chị dồn hết tâm huyết của mình để cẩn trọng, nắn nót từng nét chữ với tất cả sự kính trọng và niềm yêu mến gửi vào bức tranh… Không chỉ là kỷ niệm đẹp, bức tranh chữ đặc biệt này còn là động lực quan trọng để cô giáo Phan Thị Thu Liễu tiếp tục hành trình đam mê với chữ viết, lan tỏa những giá trị truyền thống trong sự nghiệp trồng người.
Ngọc Mai